Thơ: Nữ anh hùng đất Việt – Vũ Thục Nương
Theo Thần phả, Vũ Thị Thục xuất thân trong một gia đình nhà Nho, cha mẹ bà luôn sống thiện lương, hiền đức. Ông Vũ Công Chất thường rời nhà đi hái thuốc về chữa bệnh cho người dân. Sau một lần ông góp công tu sửa miếu thờ Sơn Tinh Công chúa thì được Thần cử người đem bè gỗ quý đến tạ ơn. Cùng lúc đó, một cô gái mặc áo màu hoa sen vô cùng xinh đẹp cũng đến nhà ông bà. Cô gái gọi mẹ và chợt nhào vào lòng bà Mầu rồi biến mất. Sau đó, bà Mầu mang thai, ít lâu sau sinh được một đứa con gái, đặt tên là Thục…
Vũ Thục Nương (1)
Thục Nương tài sắc nức sơn hà (2)
Tiên nhân hạ thế núi sông ta
Toan tính Nam Liên nương cửa Phật (3)
Hưởng ứng Trưng Vương cứu quốc gia
Oai phong xung trận miền Giao Chỉ (4)
Kiên trinh tử tiết đất Tiên La (5)
Vì nước thân vàng đâu có tiếc
Trước miếu anh linh mắt lệ nhòa (6).
Chú thích:
- Tên của nữ anh hùng là Vũ Thị Thục. Sinh thời, bà là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đẹp người, đẹp nết, giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân nên được gọi là Vũ Thục Nương. Bà được Trưng Vương phong làm Bát Nàn tướng quân, Trinh Thục công chúa.
- Thời trẻ Thục Nương đều được mọi người tôn sùng là “Nữ tiên hạ thế”. Bà còn dạy dân phát triển nghề nông, sáng tác những bài hát dân ca và truyền dạy hát đối, hát xoan, hát đúm vẫn còn truyền lại đến nay ở vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc, lại chỉ bảo dân thời ấy quần tụ lại để xây dựng, phát triển xã – thôn Việt trong vùng Phong Châu.
- Thái thú Tô Định thấy Thục Nương xinh đẹp đem quân bắt cha mẹ và chồng chưa cưới của nàng, ép phải gả nàng cho hắn, nhưng bị từ chối. Tô Định tức giận, giết họ và cho quân lùng bắt nàng. Nàng phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La nương thân. Nàng ở ẩn trong chùa Nam Liên và tu Phật. Sau đó Bát Nàn đã lựa chọn con đường đứng lên dấy binh chống lại ách thống trị tàn bạo của Tô Định.
- Mùa xuân năm Canh Tý, Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Vì đã nghe uy danh của Bát Nàn, Hai Bà ngay lập tức mời Bát Nàn hội quân cùng đánh Tô Định. Bát Nàn cùng đội binh của mình đã hưởng ứng, cùng các nữ tướng của Hai Bà Trưng đánh bại quan quân Đông Hán, Tô Định phải chạy trốn.
- Năm Mã Viện cầm quân sang tái xâm lược nước ta, sau khi Hai Bà Trưng hi sinh, bà lui về Tân La (thuộc về Hưng Yên ngày nay) tiếp tục chống giặc. Quân Hán đã tập trung toàn bộ lực lượng để đàn áp. Sau những trận giao tranh ác liệt, bà cho mở đường máu chạy về gò Kim Quy (nay là thôn Tiên La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Tại đây bà đã tuốt gươm tuẫn tiết.
- Ngày nay còn nhiều đền thờ Bát Nàn tướng quân: đền Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), đền Bát Nàn nằm ở xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và đền Tân La thuộc địa phận thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên.