LỜI CẢM ƠN CỦA CHỦ TỊCH CHI HỘI DI SẢN VĂN HÓA HỒNG CHÂU (*)
Kính thưa quý vị, bằng hữu gần xa;
Lễ ra mắt Chi hội Di sản văn hóa Hồng Châu, Hà Nội (trực thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đã thành công tốt đẹp. Thay mặt Chi hội, tôi với cương vị Chủ tịch Chi hội xin có đôi lời cảm tạ: PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam; Ban lãnh đạo Trung ương Hội; Ban thường trực Chi hội Di sản văn hóa Hồng Châu, Hà Nội; cùng toàn thể chư huynh đệ Thanh đồng đạo quang, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân dân gian, các vị đại biểu, khách quý đã đến dự Lễ ra mắt Chi hội và mở cửa Tủ sách Minh Đạo (cơ sở 3 tại Vệ Linh, Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội).
Kính thưa quý vị,
Trung ương Hội Di sản văn hóa Việt Nam mới đây đã chính thức ra Quyết định thành lập Chi hội Di sản văn hóa Hồng Châu (Hà Nội), qua vài đợt kết nạp, đến nay đã quy tụ 39 hội viên là các nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu đang sống và hoạt động văn hóa khu vực Hà Nội và châu thổ sông Hồng.
- Các đại biểu, hội viên chụp ảnh lưu niệm sau Lễ ra mắt. Ảnh: Trần Quang Thanh
Chi hội được thành lập với mục tiêu góp phần xiển dương văn hóa dân tộc, hưởng ứng tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc của Đảng (tổ chức tháng 11/2021), hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2023), đặc biệt quan tâm văn hóa dân gian vùng châu thổ sông Hồng; với các hoạt động nhằm góp phần bảo tồn nguyên gốc, đồng thời phát huy các giá trị tích cực, tiến bộ của các di sản văn hóa. Tại Lễ ra mắt Chi hội, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Trung ương Hội và tất cả các quý vị; các nghệ nhân hội viên đã tham gia tổ chức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh năm 2016).
Sau Lễ ra mắt, Chi hội DSVH Hồng Châu đã chính thức mở cửa Tủ sách Minh Đạo (Sóc Sơn, 2023). Tủ sách này tới đây sẽ được bổ sung, hoàn thiện hơn nữa, nằm trong hệ thống và kết nối với Tủ sách Minh Đạo (Hà Đông, 2022) và Thư viện Hồng Châu (Hưng Yên, 2018) do nhà báo, nhà thơ Khúc Hồng Thiện, đồng thời là nghiên cứu viên, hội viên sáng lập. Tủ sách của Chi hội ở đây giới thiệu các ấn phẩm của các nhà xuất bản uy tín, trong đó có nhiều công trình, tài liệu giá trị nghiên cứu về các di sản văn hóa cả vật thể, phi vật thể – góp phần nâng cao văn hóa đọc Việt Nam.
Tại lễ ra mắt, lãnh đạo Hội Di sản văn hóa Việt Nam và các đại biểu đã nêu ý kiến đánh giá cao những sáng kiến, hoạt động của Chi hội thời gian qua và cả kế hoạch sắp tới. Cùng với các hoạt động nghiên cứu, thực hành văn hóa của các hội viên Chi hội, hứa hẹn sẽ tạo nên những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, vừa bảo đảm kế thừa giá trị truyền thống vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại, có ích cho cộng đồng, xã hội.
- Ông Nguyễn Đắc Hùng (bên trái) – đại diện Tủ sách Minh Đạo (Hà Đông) và nhà văn Trần Đức Hiển đến tặng sách và chụp ảnh trước Phòng đọc Minh Đạo (Sóc Sơn). Ảnh: Thanh Quang
Chúng tôi cũng hiểu rằng để thành tựu được những mục tiêu ý nghĩa trên, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ cả vật chất và tinh thần của quý vị, bằng hữu.
Thay mặt Chi hội, tôi xin hứa sẽ lãnh đạo, điều hành Chi hội hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ Điều lệ Hội; quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Hội Di sản văn hóa Việt Nam và toàn thể quý vị đã và sẽ giúp đỡ, hỗ trợ Chi hội hoạt động hiệu quả, vững mạnh và ngày càng phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn!
(*) Bà Khúc Tâm Anh – Chủ tịch Chi hội Di sản văn hóa Hồng Châu, Hà Nội.
Sóc Sơn, ngày 9 tháng 4 năm 2023