Đời người chính là: Chớ ôm giữ những ưu phiền – Buông tâm mới đặng an yên, nhẹ nhàng!
Có một câu nói như thế này: “Trên thế giới này, không ai có thể vây khốn bạn, chỉ có bạn tự vây khốn chính mình mà thôi”. Sống trên đời, sở dĩ một người cảm thấy thống khổ là bởi trong tâm anh ta mang theo thứ gì đó không đúng đắn…
1. Đừng sống trong ưu tư của chính mình
Trên Internet có lưu truyền một câu nói: “90% phiền não trong cuộc sống sinh hoạt không phải được tạo nên bởi bản thân sự việc mà là do sự phản ứng đối với sự việc đó mang lại”.
Một người trưởng thành thực sự sẽ không bị hãm trong cảm xúc của bản thân quá lâu.
Có một nhà văn bắt taxi, anh vô tình bước lên chiếc xe rất đặc biệt. Bên trong xe vô cùng sạch sẽ gọn gàng. Trên xe không chỉ cung cấp nước cocacola, nước trái cây, cà phê nóng mà còn phục vụ báo và các chương trình radio khác nhau.
Vừa bước lên xe, tài xế đã đưa cho anh một tấm thiệp xinh đẹp. Trên tấm thiệp có ghi dòng chữ: “Với một bầu không khí thân thiện, hãy đưa khách của tôi đến địa điểm của họ một cách nhanh nhất, an toàn nhất và tiết kiệm nhất”.
Tác giả tò mò hỏi tài xế: “Tại sao các tài xế taxi khác than phiền về tắc đường, thu nhập thấp mà anh lại vui vẻ, cung cấp dịch vụ chu toàn đến vậy?”
Người lái xe trả lời: “Thực ra, khi mới bắt đầu, tôi cũng phàn nàn rất nhiều như những tài xế khác. Cho đến một ngày, tôi vô tình nghe được một câu như thế này trên radio: ‘Nếu biết ngừng phàn nàn về cuộc sống hàng ngày thì điều này có thể giúp bất cứ ai đạt được thành công’. Vì vậy, tôi đã quyết định thay đổi bản thân”.
Ngạn ngữ phương Đông có câu: “Có tài mà biết xem nhẹ, đây là đại tài. Có trí mà tâm bình khí hòa, đây là đại trí”. Sinh ra làm người, ai cũng có tình, bởi nó là bản năng, nhưng không bị cảm xúc kiềm chế mới được coi là người có bản sự. Tình cảm giống như nước, nên khai thông, không nên ức chế ngăn cản, bởi ‘tức nước thì vỡ bờ’.
Thay đổi tâm tình của mình để năng lượng tiêu cực không tích tụ trong lòng.
2. Đừng bị hãm trong kinh nghiệm của chính mình
Dưới đây là một câu chuyện có thật xảy ra ở thành phố Houston, Mỹ:
Vào năm 2017, cơn bão Harvey đã đổ bộ vào Houston, lượng nước mưa dâng lên 50 inch (127 cm) trong vòng 3 ngày khiến toàn bộ thành phố chìm trong biển nước mênh mông.
Trên thực tế, ngay từ thời điểm trước khi cơn bão ập đến 1 tuần, nhà khí tượng học, Tiến sĩ Shepherd đã viết một bài báo dự đoán rằng: cơn bão có thể gây ra lượng mưa từ 40 đến 50 inch. Tuy nhiên, người dân trong thành phố lại hoàn toàn không để tâm.
Tại sao chuyện này lại xảy ra?
Mặc dù ở Houston thường xuất hiện trời mưa nhưng lượng nước cả năm đo được cũng chỉ đạt mức 34 inch. “Lượng mưa từ 40 đến 50 inch trong một khoảng thời gian ngắn” do Tiến sĩ Shepherd dự đoán đã vượt quá phạm vi mà người dân Houston có thể lý giải được. Họ tự hỏi: “Lượng mưa trong vài ngày sao có thể vượt ngưỡng cả năm? Điều này làm sao có thể xảy ra được!”
Bởi vì thông tin mà Tiến sĩ Shepherd dự đoán đã gây mâu thuẫn với kinh nghiệm trong quá khứ mà người dân Houston vốn có. Do vậy, câu nói phổ biến mà người dân Houston trả lời sau khi hứng chịu thảm họa là: “Tôi đã nhìn thấy cảnh báo, nhưng tôi không ngờ nó lại tồi tệ như vậy”.
Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, hầu hết mọi người đều suy nghĩ giống như người dân Houston, dễ bị kinh nghiệm của bản thân trói buộc. Cũng vì vậy mà họ đã phải trả một cái giá rất đắt.
3. Đừng để quá khứ của chính mình vây hãm
Có một câu nói trong ‘The Ordinary World’: “Nếu bạn không tự khiến bản thân phiền não thì người khác cũng không thể khiến bạn phiền não”.
Đôi khi không phải phiền toái lựa chọn người, mà là bởi con người tự tìm phiền toái.
Có một câu chuyện như thế này: “Một chàng trai trẻ suốt ngày cảm thấy buồn khổ. Vì muốn bản thân được vui vẻ, anh ta không quản đường xa vạn dặm đến xin lời khuyên từ một vị thiền sư”.
Vị thiền sư nhìn chàng thanh niên khoác trên vai chiếc ba lô lớn liền hỏi bên trong ba lô đựng những vật gì.
Chàng trai trẻ nói bên trong nó chứa đầy những kỷ vật buồn vui, mất mát và thống khổ, chúng rất quý giá, cho nên thời thời khắc khắc tôi đều muốn mang theo.
Vị thiền sư không nói gì và ra hiệu cho người thanh niên đi thuyền qua sông với mình. Sau khi thuyền cập bến, thiền sư yêu cầu người thanh niên vác theo chiếc thuyền tiếp tục lên đường.
Chàng thanh niên cảm thấy rất khó hiểu: “Sư phụ, chiếc thuyền này nặng quá, người bình thường không vác nổi”.
Vị thiền sư gật đầu: “Con nói đúng, mang vác đồ vật nặng quá trên lưng thì sẽ khó lòng bước tiếp”.
Bấy giờ chàng trai trẻ mới tỉnh ngộ, người muốn đi đường xa phải xem quá khứ thật nhạt, như vậy mới bước đi được nhẹ nhàng.
Có câu: “Nhân tâm nặng khiến người mệt mỏi, người không có nhân tâm thì chẳng vướng víu gì”.
Vậy sao phải bận tâm với quá khứ, chỉ cần buông xuống thì trời sẽ tỏa nắng. Người không bị quá khứ vây hãm mới có thể đạt được những bước tiến trong tương lai.
Theo Vision Times
San San biên dịch