Ban hành quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài
Theo Thông tư, việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt nhằm đánh giá năng lực tiếng Việt cho người có nhu cầu theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt phải bảo đảm nguyên tắc trung thực, chính xác, khách quan, minh bạch, phản ánh đúng năng lực tiếng Việt của người được đánh giá về 4 kĩ năng ngôn ngữ: Nghe, nói, đọc, viết.
Về hình thức thi: Các kĩ năng nghe, đọc, viết được tổ chức theo hình thức thi trên giấy hoặc trên máy tính. Kĩ năng nói được tổ chức theo hình thức thi nói trực tiếp trước giám khảo hoặc thi nói trên máy tính. Đối với từng kỳ thi, đơn vị tổ chức thi thông báo về hình thức thi trên giấy hay trên máy tính, thi nói trực tiếp trước giám khảo hay nói trên máy tính để thí sinh biết trước khi đăng ký dự thi.
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ |
Chứng chỉ tiếng Việt được cấp cho người dự thi đạt yêu cầu tương ứng từ bậc 1 đến bậc 6 của Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu chứng chỉ tiếng Việt. Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ tiếng Việt do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định.
Đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt bao gồm: Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành văn học, sư phạm ngữ văn, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam; các đơn vị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài.
Đối tượng dự thi và đăng ký dự thi
Thông tư nêu rõ đối tượng dự thi gồm các cá nhân có nhu cầu được đánh giá năng lực tiếng Việt và cấp chứng chỉ tiếng Việt; có hồ sơ đăng ký dự thi hợp lệ; đóng đầy đủ lệ phí thi, lệ phí cấp chứng chỉ theo quy định; không trong thời gian bị cấm thi theo quy định.
Hồ sơ đăng ký dự thi gồm: 2 ảnh cỡ 4×6 (cm) được chụp không quá 6 tháng trước ngày đăng ký dự thi; bản sao hộ chiếu còn hiệu lực; phiếu đăng ký dự thi (gồm thông tin về họ và tên, ngày sinh, quốc tịch, số và ngày cấp hộ chiếu, thời gian, địa điểm đăng ký dự thi và các thông tin cần thiết khác).
Việc đăng ký dự thi thực hiện theo một trong những cách sau: Cá nhân trực tiếp đến đăng ký tại đơn vị tổ chức thi hoặc đăng ký trực tuyến qua trang thông tin điện tử của đơn vị tổ chức thi; cá nhân thông qua tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục nơi đang công tác, học tập đăng ký dự thi với đơn vị tổ chức thi.
Trách nhiệm của thí sinh làcó mặt tại địa điểm thi đúng thời gian quy định để được hướng dẫn và tham dự kỳ thi. Xuất trình hộ chiếu còn hiệu lực trước khi vào phòng thi. Sau 2/3 thời gian làm bài thi của mỗi kĩ năng, thí sinh có thể nộp bài sớm so với quy định (trừ kĩ năng nghe) cùng với đề thi, giấy nháp và chỉ được rời phòng thi khi giám thị cho phép.
Thông tư cũng quy định, thủ trưởng đơn vị tổ chức thi duyệt kết quả thi trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận tờ trình đề nghị duyệt kết quả thi. Ngay sau khi kết quả thi được duyệt, đơn vị tổ chức thi công bố kết quả thi trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ cho thí sinh đủ điều kiện; trong đó, ghi rõ bậc năng lực tiếng Việt đạt được của thí sinh. Việc quản lý và cấp phát, thu hồi chứng chỉ thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 22/11/2021.
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ban-hanh-quy-che-thi-danh-gia-nang-luc-tieng-viet-cho-nguoi-nuoc-ngoai-post221810.gd