Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Chất vấn để thông suốt và đồng thuận!
Đợt hai (họp trực tiếp), cũng là tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, tập trung thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, về công tác phòng, chống dịch Covid-19… tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét thông qua các dự án luật, nghị quyết theo kế hoạch.
Bàn về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt, nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch được xây dựng theo kịch bản tăng trưởng khá tích cực. Tuy nhiên, không ít đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, thực tiễn cho thấy có những yếu tố tác động đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp tăng cường quản trị để phòng ngừa rủi ro, tăng tính khả thi trong thực hiện kế hoạch, nhất là những diễn biến khó lường. Bởi thế, Chính phủ cần quan tâm, xúc tiến triển khai hệ thống quản lý rủi ro quốc gia để tăng cường, nâng cao năng lực công tác dự báo và ứng phó khi tình huống khẩn cấp xảy ra.
Tại kỳ họp lần này, các ý kiến đưa ra tập trung nhiều hơn đến vấn đề thực thi, bám sát thực tiễn để hành động. Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, cần tập trung quan tâm nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn vấn đề phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng tính chủ động, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm của địa phương, đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý trách nhiệm cá nhân nhưng cũng tạo cơ chế, điều kiện để cán bộ tham mưu, đề xuất; lãnh đạo dám quyết định và chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu TP Đà Nẵng, một số chuyên gia khuyến nghị, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để kiến tạo mô hình mới, thích ứng với chiến lược sống chung với Covid-19, ưu tiên thực hiện cơ cấu đối với từng lĩnh vực kinh tế, từng ngành kinh tế để nâng cao khả năng đề kháng, vượt qua khó khăn và khôi phục phát triển cho từng lĩnh vực, nhất là ngành du lịch, dịch vụ. Việc cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển mạng lưới doanh nghiệp sản xuất cần gắn với phân bổ nguồn lực lao động, nhất là trong xu hướng dịch chuyển người lao động như đã diễn ra vừa qua, tạo cơ hội phát triển đồng đều hơn ở các cấp, địa phương.
Đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 10/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã trả lời tự tin, mạch lạc, đưa ra dẫn chứng từ thực tiễn của ngành y – lực lượng nòng cốt tham gia chống dịch. Người đứng đầu ngành y tế đã làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và chiến lược vaccine trong thời gian tới; việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; từ đó, bàn giải pháp giảm sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn.
Đề cập vấn đề cán bộ, trong phiên chất vấn, một số đại biểu Quốc hội nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng lao lý khi sai phạm trong đấu thầu và mua bán thuốc. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là những vụ việc “hết sức đau lòng”. Trả lời ý kiến của đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) về những băn khoăn liên quan việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 đại trà cho trẻ em, Bộ trưởng Y tế khẳng định, việc tổ chức tiêm cho trẻ em đã tổng kết, căn cứ theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Trung tâm Dự phòng kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ… chính thức cho phép tiêm vaccine mRNA cho trẻ ở gần 40 nước. Cách làm là tiêm từ lứa tuổi cao xuống thấp, từ nhóm có bệnh lý nền.
Đề cập chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới, trong nội dung phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến việc sẽ phải tổ chức tập huấn, quán triệt chủ trương phòng chống dịch cho cán bộ quản lý cấp cơ sở, các lực lượng chỉ đạo phòng chống dịch địa phương nhằm tạo sự thông suốt, đồng bộ. “Một tháng tới đây là vô cùng quan trọng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Cùng với ngành y tế, ở lĩnh vực lao động – thương binh và xã hội, vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm là giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc.
Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, là việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19, công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học,…
Vấn đề chất vấn cuối cùng tại kỳ họp này thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nội dung là giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh… Cùng với nỗ lực để từng bước thích ứng an toàn với dịch bệnh, việc phục hồi kinh tế – xã hội trước những tác động to lớn của đại dịch là vấn đề nhiều đại biểu trăn trở.
Đó đều là những lĩnh vực, vấn đề cấp thiết, đòi hỏi khi đã thông suốt chủ trương chung, là sự đồng thuận và hành động hiệu quả trong thực tiễn. Theo dõi các phiên thảo luận, chất vấn, cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội với những phát biểu có trách nhiệm, đề xuất được các giải pháp thiết thực, khả thi, đem nguyện vọng của cử tri đến nghị trường.
Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội diễn ra từ ngày 10 đến 12/11. Sáng 12/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng đàn trả lời chất vấn và làm rõ thêm những vấn đề liên quan. Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết xem xét, thông qua các dự án luật và nghị quyết trong kế hoạch. Dự kiến, Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV bế mạc ngày 13/11.
LINH CẦM
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: LINH NGUYÊN
Theo Báo Nhân Dân cuối tuần số 46-2021