Sóng gió Trường Sa

Sóng gió Trường Sa

Phải mất hàng triệu triệu năm, với rất nhiều biến đổi, thiên nhiên mới tạo tác nên vóc dáng, hình hài đất nước. Cùng với đó, con người cũng trải mấy ngàn năm để xây dựng, bảo vệ cương vực quốc gia và khẳng định bản lĩnh dân tộc. Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông là thế, nhưng bằng công sức của từng người từng ngày đã tạo nên giang sơn gấm vóc. Ra Trường Sa, trong những ngày áp Tết cổ truyền, để trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc hơn giá trị một vùng biên hải thiêng liêng của Tổ quốc. Thêm yêu và thêm thương.

Những trải nghiệm

Ðầu tháng Chạp, bộ phận không khí lạnh đã tràn xuống miền bắc, nhiệt độ miền nam cũng giảm đáng kể, ngoài khơi đang mùa biển động. Chúng tôi trên con tàu HQ571 theo đoàn công tác cuối năm của Quân chủng Hải quân rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), đưa hàng Tết, quà Tết, không khí xuân mới ra với đảo xa. Ngoài các cán bộ, chiến sĩ đã dạn dày sóng gió, còn lại đều là “lính mới” lần đầu được ra khơi. Tàu vừa rời vịnh Cam Ranh, ngút mắt một vùng trời nước mênh mông, xanh ngắt đầy bí ẩn. Sóng điện thoại tắt ngấm, tàu điệp khúc tròng trành. Những “lính mới” bắt đầu chóng mặt nôn nao. Trên loa truyền thanh của tàu, thượng tá Nguyễn Hồng Quân – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (trưởng đoàn công tác), với kinh nghiệm gần hai mươi năm đi biển, sang sảng thông báo: “Toàn tàu chú ý! Cơn bão số một đang hình thành và sẽ ảnh hưởng đến khu vực quần đảo Trường Sa. Do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp nên hải trình của chúng ta sẽ phải thay đổi. Ðề nghị các đồng chí sẵn sàng chủ động để cơ động”. Như vậy là bắt đầu những ngày sóng gió trên biển, trải nghiệm cùng nước bạc sóng lừng.

Cảm giác say sóng thật khó diễn tả. Hầu hết phóng viên báo chí và những chàng lính trẻ nằm ngả nghiêng, mệt lử trong khoang tàu. Tàu HQ571 mới đóng và thuộc vào loại hiện đại, thế mà vẫn nhỏ nhoi ngụp lặn ngả nghiêng trước mênh mông biển cả.

Ấn tượng và cũng rất cảm động với chúng tôi có lẽ là tổ phục vụ hậu cần trên tàu đều đặn chuẩn bị chu đáo ba bữa cơm mỗi ngày, bảo đảm đúng giờ giấc. Ðúng là trong môi trường nào con người đều rất thông minh để thích ứng. Theo nhịp tròng trành của tàu, các chiến sĩ hậu cần phải rất vất vả mới có thể thổi xong nồi cơm, nấu chín xoong canh. Một mình xoay xở với khoảng chục cái nồi cơm điện quân dụng, trung úy Ðỗ Văn Trung phải luôn tay xoay sang trái lại sang phải theo nhịp bồng bềnh của tàu thì cơm mới có thể chín đều.

Với hành trình hàng tháng trời, công việc bảo quản thực phẩm sao cho bảo đảm chất lượng cũng không hề đơn giản. Trò chuyện với thiếu tá Phạm Hồng Sơn (Ðại đội trưởng Ðại đội Vận tải, Ðoàn M46), được anh cho biết: “Mọi việc đều được chúng tôi phối hợp, bố trí hết sức khoa học và phải kiểm tra thường xuyên các loại thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống. Làm sao giữ được từng chiếc lá dong được tươi xanh, mỗi củ hành, củ tỏi không bị hỏng đến tận tay chiến sĩ Trường Sa là rất quý”. Chia sẻ về những vất vả công tác bảo quản thực phẩm trong mùa biển động, anh Sơn bằng chất giọng xứ Nghệ hiền hiền cho biết thêm: “Mấy chục con lợn Tết trên tàu cũng say sóng rứa. Chúng không ăn được cám, anh em còn phải thay nhau nấu cháo rồi bón cho chúng ăn nữa. Bảo đảm con nào cũng khỏe mạnh lên đảo”.

Chứng kiến bộ đội hải quân trẻ hôm nay đang từng ngày vượt lên sóng gió, lại mường tượng về những ngày tháng cũ. Biết bao thế hệ, cha trước con sau dong buồm trên những chiếc thuyền thô sơ, phải đổ cả máu và nước mắt để làm chủ biển cả, để truyền đời mãi mãi vạn lý Trường Sa.

Vượt lên sóng dữ

Trên hải trình mang Tết ra Trường Sa năm nay, chúng tôi được lên thăm cả đảo nổi và đảo chìm. Ngoài đảo khơi điều kiện khó khăn khắc nghiệt đã đành, nhưng so với các đảo nổi thì đảo chìm còn khó khăn hơn bội phần, nhất là thiếu thốn về rau xanh và nước ngọt. An Bang và Thuyền Chài là hai điểm đảo cuối trong hành trình mang Tết ra Trường Sa lần này. Sự khắc nghiệt và dữ dội của biển ở hai điểm đảo này đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi người từ đất liền.

Ðiều kiện khí hậu ở đây khắc nghiệt đã tôi luyện ý chí sắt đá của các chiến sĩ vượt lên sóng gió, khó khăn, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các chiến sĩ trẻ vẫn thường gọi đảo An Bang như “lò vôi” để ám chỉ sự khắc nghiệt của khí hậu. Ở đây có hai mùa gió chính là Ðông Bắc và Tây Nam, mùa nào cũng nóng. “Do đặc điểm này của khí hậu, các chiến sĩ trên đảo thường xuyên phải di chuyển những chậu rau xanh đi tránh gió. Mùa gió Ðông Bắc thì chuyển rau sang phía Tây Nam của đảo và ngược lại. Ðúng là chăm rau như chăm em bé. Ấy vậy mà nhờ có “vườn rau” này đã đủ lượng rau xanh cho bộ đội”. Trung tá Vũ Minh Thân, đảo trưởng, tự hào nói.

Trực tiếp chỉ huy đội chiến sĩ làm nhiệm vụ “dìu” ca-nô của đoàn công tác lên đảo là thiếu tá Ðặng Ngọc Nam – Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo An Bang tâm sự: Do địa hình phức tạp của đảo là thềm san hô ngắn, cộng với độ sâu đột ngột sát mép đảo, gió quẩn, đã tạo những luồng sóng lớn đánh trực tiếp vào thềm san hô. An Bang quanh năm không có mùa biển lặng. Ðể kéo xuồng vào đảo chưa phải là khó, khó nhất lại là việc chuẩn bị. Muốn có sức mạnh tổng hợp cần có tính hiệp đồng và thống nhất trong chỉ đạo rất cao. Có nhiều trường hợp tàu bị sóng dồi lên dập xuống không thể cập vào đảo. Lúc đó, chúng tôi bố trí một hoặc hai đồng chí giàu kinh nghiệm bơi lặn lao ra bắt dây xuồng. Nếu thao tác này không nhanh và chính xác, sóng dữ quá có thể gây lật xuồng ngay.

Trong những lần các chiến sĩ hải quân vật lộn với sóng to gió lớn, đã có không ít tình huống phức tạp, vô cùng căng thẳng. Thiếu tá Nam kể, mới đây tàu HQ641 đưa lực lượng công binh lên đảo xây dựng cột mốc chủ quyền. Khi tàu đến gần đảo, gió chỉ cấp bốn, cấp năm, rồi bất ngờ triều cường lên, gió to, loay hoay mãi mới đưa anh em cập đảo. Việc đưa xuồng vào đã khó, đến khi xuồng ra càng khó hơn bội phần vì phải đẩy ngược sóng. “Chúng tôi phải đưa xuồng chịu tải kéo ca-nô ra, kết hợp với lực lượng trực tiếp đẩy xuồng, vậy mà mất đến gần bốn tiếng đồng hồ vẫn không thể ra được. Cuối cùng, đồng chí thuyền trưởng phải đưa tàu vào gần hơn. Chúng tôi cử đồng chí Phan Văn Hải, pháo thủ xe tăng Phân đội 2, giàu kinh nghiệm chiến đấu dưới nước dẫn dây xuồng bơi ra tàu, kết hợp với xuồng đẩy ca-nô ra mới được. Vật lộn với sóng to gió lớn quá lâu, khi đưa được ca-nô ra tới tàu, các chiến sĩ cũng mệt lử.

Sóng biển, gió biển dữ dằn là thế, nhưng mưa biển thật hiền. Có chăng, mưa ở nơi đầu sóng ngọn gió trắng trời là nước chỉ khiến con người muốn xích lại gần thêm. Các chiến sĩ trên đảo lúc nào cũng mong mưa, khát mưa, đón mưa như trẩy hội. Mưa biển như biết thương đảo, cứ ào ạt xô nghiêng về phía đảo, dành tặng những giọt nước ngọt lành vào đủ loại chum vại, tưới lên từng ngọn rau mơn mởn. Mưa như làm dịu đi vẻ hung dữ của gió bão. Có lẽ vì thế mà cơn bão đầu năm này tuy bất ngờ nhưng cũng sớm đi qua, cho một mùa xuân mới đến sớm.

Bài và ảnh: KHÚC HỒNG THIỆN
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)