Về cái “phổ quát” và quản lý cái “tiêu cực”

Về cái “phổ quát” và quản lý cái “tiêu cực”

“Thế kỷ 20 là thế kỷ cuối cùng mà phương Tây thống trị thế giới. Bước sang thế kỷ 21, nhân loại sẽ đi bằng cả hai chân, đó là minh triết phương Đông và văn minh phương Tây…” Cách nói hình ảnh này là phát biểu của GS Hoàng Ngọc Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học, trong buổi Tọa đàm khoa học do Trung tâm Nghiên cứu Minh triết Việt tổ chức sáng ngày 25/5/2010 với chủ đề: Về cái “phổ quát” và quản lý cái “tiêu cực”. Đây cũng là tên một công trình nghiên cứu mới đây của triết gia nổi tiếng người Pháp: GS François Jullien.

 

F.Jullien sinh năm 1951, Giáo sư tại Đại học Tổng hợp Paris 7, giảng dạy triết học và mỹ học Trung Hoa cổ điển, Viện trưởng viện Tư tưởng đương đại Pháp, Thành viên cấp cao của hiệp hội các trường đại học Pháp, nguyên Chủ tịch Liên đoàn các Nhà triết học thế giới, hiện là thành viên văn hóa của UNESCO.

Do thảm họa núi lửa ở châu Âu đã khiến cho chuyến bay của GS. F.Jullien bị chậm lại và sáng sớm ngày 25/5 mới tới được Hà Nội. Đây cũng là buổi làm việc đầu tiên của ông trong chuyến công tác lần này. Sau đó, F.Jullien sẽ tới làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Pháp…

GS. F.Jullien là diễn giả chính của buổi tọa đàm; GS. Hoàng Ngọc Hiến là người bạn thân thiết, và cũng là người dịch hầu hết các công trình nghiên cứu của F.Jullien sang tiếng Việt, đóng vai trò chuyển ngữ tới các cử tọa. Tham dự buổi tọa đàm còn có ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nhiều giáo sư, học giả, các nhà nghiên cứu và khá đông trí thức.

Mở đầu bài thuyết trình của mình GS. F.Jullien bày tỏ: “Hôm nay tôi đến đây như được trở về với những người bạn của mình, những tình cảm thật nồng hậu. Được gặp lại GS Hoàng Ngọc Hiến, là người thường xuyên dịch những tác phẩm của tôi. Ông Hiến là người dịch rất chặt chẽ, sâu sắc, tìm mọi cách để truyền đạt những suy nghĩ và ý kiến của tôi.”
Phần lớn thời gian GS. F.Jullien dành để trình bày về công trình của mình. Dưới đây là những nội dung chính trong bài nói chuyện: Về cái “phổ quát” và quản lý cái “tiêu cực”.

Về cái “phổ quát”
Trước tiên, F.Jullien yêu cầu: cần phân biệt 3 khái niệm: cái phổ quát (I’universel), cáiđồng dạng (I’uniforme), và cái chung (le commun). Sự rối ren trong tư duy là do ta không phân biệt được 3 khái niệm này. Ba khái niệm khác nhau đã đành, nhưng từng cái lại có cái “lắt léo” của nó. Khái niệm phổ quát có hai nghĩa: nghĩa yếu và nghĩa mạnh. Nghĩa yếu có tính chất kinh nghiệm, sự ghi nhận. Nghĩa mạnh: nó là tiên thiên, được xác định trước (một cách tiên nghiệm). Nó vốn là như vậy, nó phải là phổ quát, theo nghĩa mạnh, nó là cái tất yếu tiên thiên. Như các quy luật trong khoa học tự nhiên. Vấn đề là có thể đem cái tính phổ quát trong khoa học tự nhiên áp dụng vào khoa học xã hội – nhân văn được không?

Các triết gia, như Kierkegaar, Nietzche nói: Không thể nào đưa tính phổ quát với nghĩa mạnh trong khoa học tự nhiên vào nhân văn được, bởi con người là cá nhân, là đơn nhất, là đặc biệt. Cần xem lại cái mà châu Âu hiện đại gọi là “phổ quát”: cái mà người châu Âu cho là phổ quát (cho cả nhân loại) thì hóa ra chỉ là sản phẩm đặc biệt của lịch sử phát triển tư tưởng văn hóa châu Âu (ví dụ quyền này, quyền nọ…). Khái niệm phổ quát của châu Âu ra đời không phải như một sự tất yếu mà có nguồn gốc phức hợp, từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cần phân biệt cái phổ quát với cái đồng dạng. Hiện nay người ta nhầm lẫn hai cái là một.
Thực ra phổ quát là một sản phẩm của lý trí, đồng dạng là sản phẩm của sản xuất. Hàng hóa là đồng dạng. Với toàn cầu hóa, hàng hóa lan tràn, cái đồng dạng mở rộng dễ bị nhầm là phổ quát. GS. F.Jullien đặt câu hỏi: Thế cái phổ quát khác với cái chungở chỗ nào? Và, ông giải thích: Cái chung là một khái niệm chính trị, nói đến cái chung là nói đến sự chia sẻ, từ chia sẻ trong gia đình đến chia sẻ trong khu vực, mở rộng hơn là chia sẻ trong quốc gia.
Khái niệm cái chung có thể mở rộng vô tận, trong tôn giáo còn nói đến sự chia sẻ giữa con người và những sinh vật khác. Cái phổ quát là một khái niệm của lý trí; cái đồng dạng là một khái niệm của kinh tế; còn cái chung là một khái niệm của chính trị. Ba khái niệm khác nhau về nội dung và thuộc về những bình diện (lĩnh vực) khác nhau. Cũng phải nói thêm về một sự lắt léo trong khái niệm “chung”, nó được định nghĩa bằng “sự chia sẻ” đồng thời bao hàm “sự bài trừ”, thậm chí nhấn mạnh sự bài trừ: cái không ở trong cái chung đó bị bài trừ thẳng cánh, cấm không cho chia sẻ trong vùng chung này.
GS. F.Jullien nhấn mạnh: Cái phổ quát là sự cảm nhận thấy ở cái đã được khẳng định còn đang thiếu cái gì. Phổ quát luôn luôn mở.

Quản lý cái “tiêu cực”
“Négatif” trong tiếng Pháp là một từ có hai nghĩa: thứ nhất là những phẩm chất xấu, tiêu cực; thứ hai là chức năng phủ định (trong tiếng Việt, hai nghĩa này diễn đạt bằng hai từ khác nhau, từ “tiêu cực” và từ “phủ định”). Tôi (GS. F.Jullien) sẽ trình bày về khái niệm Négatif. Hiện nay, có một luồng tư tưởng cho rằng tiến trình của thế giới là đi đến một thế giới mà trong đó, tất cả những cái Tiêu cực đều bị loại trừ một cách dễ dàng, chỉ còn lại toàn bộ những cái Tích cực. Điều đó thể hiện khát vọng loại trừ hết cái Tiêu cực, chỉ còn cái Tích cực (cái tích cực ở đây là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, là tất cả những cái tốt đẹp mà chúng ta mong muốn).

Trước khi bàn đến cái khát vọng đó, tôi sẽ trình bày sự phân biệt hai khái niệm cái Ác và cái Tiêu cực. Công việc của tôi là công việc của một nhà triết học nên trước hết phải phân biệt rành mạch các khái niệm. Khái niệm cái Ác là ý niệm đạo đức, còn khái niệm cái Tiêu cực là ý niệm chức năng. Cái Ác là những gì mà rất có hại cho con người, cần phải loại trừ khỏi cuộc sống con người. Còn cái Tiêu cực là cái không hẳn phải loại trừ ra khỏi cuộc sống con người, nó phản ánh cái phủ định, giống như một quá trình. Mình giữ lại nó và đặt nó vào trong một quá trình, nếu biết đưa nó vào quá trình thì nó sẽ phát huy mặt Tích cực của nó.

Để dễ hình dung, F.Jullien phân tích: Ý niệm cái Ác gắn với truyện kể, chẳng hạn câu chuyện Adam và Eva trong Kinh thánh kể về cái Ác thông qua hình ảnh con rắn. Như vậy là cái Ác có tính kịch, còn cái Tiêu cực không được kể mà nó được miêu tả, có sự miêu tả thế giới, miêu tả cái toàn bộ. Trong cái toàn bộ ấy người ta miêu tả những phương diện khác nhau và miêu tả sự hợp tác của chúng với nhau. Cái Tiêu cực khi đặt nó vào trong cái toàn thể, thì người ta thấy rằng nó có thể đòi hỏi tính Tích cực. Như vậy, hai ý niệm này có hai cách nhìn, một cách nhìn bằng truyện kể và một cách nhìn bằng miêu tả, từ đó ta có thể phân biệt và hiểu về nó.

Theo quan điểm riêng của F.Jullien thì không chấp nhận khái niệm “Ác”. Ông đưa ra mấy cách gọi khác, như: cách thứ nhất, xấu xa, để hình dung trong cái tình ý (hoàn cảnh) này nó xấu xa chứ không phải giá trị của nó; thứ hai là đê tiện, có nghĩa là vứt đi; thứ ba là chữ đau lòng. Cái đau lòng ở phương Tây cũng như phương Đông, họ có quan niệm không đúng khi nói về nhà hiền triết: Họ có gì đó an nhiên thư thái, dửng dưng trước những cái gây ra sự đau lòng của con người. Bây giờ cần phải bỏ những quan niệm đó, mà cần phải biết đau lòng trước những thiên tai, bất trắc của cuộc đời.

Trong công trình mới này của triết gia F.Jullien, khi nói về chủ đề “Minh triết trong việc đấu tranh… và quản lý cái Tiêu cực”, ông nhấn mạnh quan niệm về người trí thức hiện nay: Trí thức hiện nay không phải là người làm công việc chôn vùi cái Tiêu cực, mà phải nhìn thấy ở nó những gì có tính tích cực và để cho nó phát triển. Nhưng cũng có những cái Tiêu cực là hoàn toàn tiêu cực, buộc phải vứt bỏ, không dùng vào việc gì nữa. Như vậy nhiệm vụ của người trí thức là tìm hiểu ở cái Tiêu cực những gì có tính tích cực, làm cho nó trở nên thông minh hơn và với sự thông minh này, tài nguyên của nó được triển khai, tiềm lực của nó được bộc lộ.

Cuối buổi Tọa đàm, GS. Hoàng Ngọc Hiến chia sẻ: “Chúng tôi rất may mắn là đã gặp được F.Jullien. F.Jullien đã nghiên cứu văn hóa Trung Hoa cổ đại và văn hóa Hy Lạp – La Mã cổ hơn 20 năm nay. Ông là người đi đi về về giữa văn minh phương Đông và văn minh phương Tây. Ở Việt Nam, chưa có một tác giả nước ngoài nào lại có sách triết học được dịch nhiều như F.Jullien. Ông là người có trình độ uyên bác, một tư duy rất khỏe, rất sâu sắc để nghiên cứu so sánh giữa hai nền văn hóa Đông và Tây. Có thể nói, F.Jullien là một triết gia tài năng của thế kỷ 21.”
Sau phần trình bày của triết gia F.Jullien, các cử tọa đã trao đổi sôi nổi và bày tỏ tình cảm quý mến người bạn triết học đặc biệt này.

Khúc Hồng Thiện (lược thuật)

(Bài đã đăng website Trường đại học Văn hóa Hà Nội, 2010)

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)