Môn Năng khiếu sân khấu điện ảnh: Nhập vai tốt sẽ thành công
GD&TĐ – Nhà biên kịch, đạo diễn phim Nguyễn Đắc Tới với kinh nghiệm nhiều năm làm giám khảo đưa ra lời khuyên với thí sinh: Tình yêu nghề và nhập vai tốt sẽ thành công.
Con đường trước mắt của các em là các trường sân khấu điện ảnh. Hãy mạnh dạn cất bước, năng khiếu không quá khó để không thể vượt qua.
Hãy xác định nghề cho đúng
Nhà biên kịch Nguyễn Đắc Tới cho biết: Khối S phù hợp với những bạn trẻ có đam mê, tài năng về điện ảnh, âm nhạc cùng một số môn nghệ thuật khác. Vì vậy, các môn thi vào ngành này chủ yếu xoay quanh lĩnh vực âm nhạc, hội họa… Hẳn là nhiều người yêu nghề diễn viên và thấy nó hấp dẫn ở những vai diễn mà nghệ sĩ nhập tâm.
Hầu hết trong số đó họ đều là cựu sinh viên của các Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh. Có lẽ thành công của những nghệ sĩ này cùng với trào lưu ngày càng lớn mạnh của ngành công nghiệp giải trí đã tạo ra lực hút nghề nghiệp cho giới trẻ.
Tuy nhiên, các em cần biết, đằng sau hào quang đó là những giọt mồ hôi, kể cả nước mắt. Sẽ rất vất vả khi theo học nghề này, có năng khiếu đấy nhưng không phải lúc nào cũng nhập vai tốt.
Còn với những bạn chưa có năng khiếu thì sao, sẽ càng phải nhọc nhằn hơn, phải yêu nghề nhiều hơn và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Các bạn cứ thử hình dung, trong cuộc đời có những lúc ta không thể giấu được cảm xúc thật của mình khi yêu khi ghét.
Nhưng khi đứng trên sân khấu, vào vai diễn ta lại phải khóc cười bất kỳ lúc nào, đó còn là những diễn xuất khác, từ điệu bộ, lời ăn, tiếng nói và hình thể. Hãy xác định nghề cho đúng để quyết định có theo học được hay không.
Điều đầu tiên nên biết là thí sinh thi khối S tương lai sẽ trở thành người biểu diễn trước công chúng nên tiêu chuẩn về ngoại hình khá quan trọng. Tuy nhiên, cũng không quá khắt khe, thông thường yêu cầu chung về chiều cao phải từ 1,55m trở lên với nữ và 1,65m trở lên với nam khi thi tuyển ngành diễn viên sân khấu điện ảnh, diễn viên chèo, diễn viên rối, diễn viên cải lương.
Độ tuổi cũng trong khoảng 17 – 22 tuổi. Giọng nói: Không bị ngọng hay dị tật khác. Thí sinh sẽ phải qua vòng sơ tuyển: Kiến thức chung văn hóa, xã hội và văn học nghệ thuật đối với các ngành Biên kịch, Đạo diễn, Quay phim, Lý luận & phê bình, Nhiếp ảnh, Âm thanh và Dựng phim.
Một cảnh trong phim “Làng Tễu” của Nguyễn Đắc Tới sắp ra mắt công chúng.
Bí quyết vượt rào
Nhà biên kịch Nguyễn Đắc Tới cho biết: Mỗi trường sẽ có những yêu cầu riêng nhưng tựu chung nội dung thi năng khiếu sẽ xoay quanh: Thí sinh dự thi phải chuẩn bị và trình bày một bài thi có chủ đề liên quan đến ngành mà mình đăng ký, có thể một đoạn văn xuôi hay một bài thơ; chuẩn bị và diễn một tình huống không có nhân vật thứ hai trong thời gian khoảng 10 phút đối với các ngành diễn viên.
Thí sinh bắt buộc phải nộp kèm bài vẽ minh họa khi đăng ký dự thi đối với ngành thiết kế mỹ thuật, sân khấu điện ảnh, hoạt hình.
Năng khiếu vì vậy là yếu tố quan trọng quyết định năng lực diễn xuất của nghệ sĩ. Chính vì thế điểm năng khiếu thường nhân đôi, thế nên nếu điểm thấp khả năng thi trượt của thí sinh rất cao.
Các nội dung thi năng khiếu, thí sinh sẽ phải thực hiện gồm: Sáng tác tiểu phẩm điện ảnh, nhân hệ số 2 đối với nhóm ngành Biên kịch; Xem phim sau đó viết bài phân tích bộ phim vừa xem đối với các ngành Quay phim, Biên tập, Lý luận & Phê bình điện ảnh – truyền hình, Đạo diễn… Biểu diễn một tiểu phẩm sân khấu theo đề thi với nhóm ngành Diễn viên kịch.
Hát theo cữ giọng quy định, kiểm tra thẩm âm, tiết tấu cảm, múa các động tác theo yêu cầu của ban giám khảo và biểu diễn 1 tiểu phẩm sân khấu theo đề thi với nhóm ngành Diễn viên chèo, Cải lương, Rối.
Theo nhà biên kịch Nguyễn Đắc Tới, nội dung thi năng khiếu rất khó, đòi hỏi thí sinh phải chịu khó học, kỹ năng chuyên môn cao mới có thể thực hiện tốt được. Bước vào thi, các em cần tự đặt mình như một diễn viên, phải có khả năng diễn xuất, biết nhập tâm vào nhân vật, cùng khóc cùng cười với nhân vật mình đảm nhiệm.
Thí sinh phải thực sự hiểu được nhân vật của mình, diễn sao cho thật đạt, ra nhân vật đó để lấy được cảm xúc, nước mắt, sự tức giận của khán giả khi xem vai mình đang diễn.
Muốn làm được điều đó, các em phải thực sự yêu nghề, dành thời gian tập luyện thoại, biểu cảm gương mặt, cảm xúc của mình mỗi ngày và tích cực xem phim của những người có tiếng, giỏi trong nghề đóng để học hỏi kinh nghiệm.
Nhà thơ Khúc Hồng Thiện – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nêu quan điểm: Diễn xuất của diễn viên đang theo học tại các trường có thể còn chút bỡ ngỡ, rụt rè trong vai diễn, nhưng sức trẻ và tình yêu nghề sẽ giúp các bạn vượt qua.
Tôi cho rằng, nếu có tình yêu với nghề diễn viên, các em hãy mạnh dạn và tự tin dấn than, chắc chắn thành công sẽ đến!