Ngoạn thạch kỳ ngộ

Ngoạn thạch kỳ ngộ

“Người chơi đá phải cảm được cái hồn của đá. Nếu lấy rượu mà dụ thì, vẻ ngoài và hình sắc của cục đá cũng như bã hèm, thần vận trong đá mới là rượu nồng. Lấy người mà dụ, vẻ ngoài chỉ như thân xác, còn cái thần diệu trong đá chính là hồn phách vậy…”. Một be rượu nhỏ, một ấm trà thơm, khách chăm chú nghe ông Lê Thăng Long luận về thú “ngoạn thạch” giữa không gian chỉ rặt đá và đá, thinh lặng mà bời bời, tưởng đâu đang giữa chốn núi non hùng vĩ.

“Ngày trở lại xin hai hòn đá nhỏ”

Trong bộ quân phục bạc mầu, dáng gầy nhỏ, nhanh nhẹn, ông pha trà mời khách. Chẳng mấy chốc, cả khách và chủ đã cùng say sưa bởi những câu chuyện về đá. Đủ mầu sắc, đủ kiểu dáng, toàn bộ không gian tầng một căn nhà rộng gần trăm mét vuông ở tổ dân phố 12 (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) dành trưng bày hàng nghìn tác phẩm đá. Mỗi hòn đá là một câu chuyện, từ đó gợi lại bao ký ức xa xưa.

Chủ nhân của “bảo tàng đá” độc đáo ấy là ông Lê Thăng Long, sinh năm 1940 ở Hải Yến, Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Tuổi thanh niên ông xung phong đi bộ đội, làm công tác hậu cần suốt những năm cuối thời kỳ chống Mỹ. Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975) ông lại tiếp tục phục vụ quân đội trong một đơn vị thuộc Cục Hậu cần Phòng không không quân cho đến 1993 thì nghỉ hưu.

Tại một vị trí trang trọng của căn phòng, ông dành để đặt hòn đá đầu tiên đến với ông. Hòn đá ấy có mầu xám bạc, ông ôm vào lòng và kể cho khách về mối lương duyên với đá. Khoảng năm 1968, trên đường đi công tác, ông nhìn thấy một mô đá nhỏ gợn lên giữa đường. Sợ mọi người vấp phải, ông cùng một chiến sĩ trẻ hì hụi đào lên. Hóa ra, hòn đá còn dài và nằm chìm dưới đất. Thấy hòn đá có hình thù lạ mắt, lại nhỏ gọn có thể bỏ vừa ba-lô, ông quay sang nói với người đi cùng “chắc đá muốn theo người, ta mang về vậy”.

Ông mang hòn đá ấy về đơn vị thì nhiều người thích thú lắm. Ông rửa sạch rồi đặt lên bàn làm việc. Từ đó, trên mỗi bước đường hành quân, đi đâu ông cũng mang theo hòn đá. “Rất tình cờ thôi, tôi hay bắt gặp hoặc đào được những cục đá có hình sắc lạ. Cái nào anh em thích tôi tặng lại như một món quà của người lính. Rồi cũng có cái thì tôi lại được anh em tặng, có cái tôi phải mua. Cứ thế, dần dà kho sưu tập cứ ngày một đầy thêm”. Ông kể giọng chậm rãi mà chắc khỏe, như thể đá đang gợi về những ký ức trên mỗi đoạn đường công tác.

Có lần trước đá, gợi nên nỗi nhớ quê hương, ông cầm bút viết: Rú Đòn nhỏ/Hải Yến ơi, đó là Tổ quốc/Tôi đi xa đã mấy chục năm rồi/Ngày trở lại xin hai hòn đá nhỏ/In dấu chân người và rực lửa tuổi thơ tôi… Vậy đấy, đá cứ trầm ngâm tĩnh lặng tưởng vô ngôn, hóa ra cái tĩnh lặng ấy lại gợi cho mỗi người sự quán tưởng riêng, vi diệu.

Tình đá, tình người

Có duyên với đá là một chuyện. Nhưng để có được một bộ sưu tập đồ sộ về đá, từ khắp mọi miền đất nước như thế này, đó là mồ hôi, là công sức với tấm lòng yêu đá, yêu thiên nhiên hiếm thấy. Không ít người bảo ông “gàn”, kẻ không hiểu còn cho là vô bổ. Ngay cả vợ ông, ban đầu cũng chẳng ủng hộ, bà hay phàn nàn. Nhưng đấy là bà lo cho ông, say mê quá, cứ một mình với chiếc xe máy cà tàng, lọc cọc đi tìm đá, trời nắng trời mưa, nhỡ ra… biết làm sao. Bà tên là Đỗ Thị Hòa, kém ông bảy tuổi. Trước đây cũng tham gia quân ngũ nên hiểu được cái khí chất của người lính, vì thế bà nói “ông ấy say mê quá thì biết làm thế nào”.

Rồi hai ông bà cũng vượt qua những tháng ngày lam lũ, nuôi dạy các con giờ đã phương trưởng. Tuổi già, bà hiểu, đá đã như nguồn vui, là niềm đam mê của ông. Có đá khiến ông khỏe. Bên đá ông bớt nóng giận. Chẳng thế, cách đây chưa lâu, bác sĩ kết luận ông bị suy tim, suy thận nặng. Vậy mà ra viện, thỉnh thoảng ông vẫn đi xe máy chở đá về. Có lần thì tự nhiên tìm được, có lần phải bỏ tiền ra mua. “Nhờ say đá, mà bệnh tình thuyên giảm, tôi thấy khỏe ra, giờ vẫn chở được năm bảy chục cân chứ ít đâu” – ông chỉ hòn đá lớn mới mua để ngay trước cửa ra vào, kể.

Chia sẻ với chồng, bà thường dậy thật sớm thắp hương, cầu mong trời phật phù hộ độ trì cho ông đi đến nơi về đến chốn. Rồi bà lại nấu nướng, chuẩn bị cho ông từng bữa ăn, lúc sáng sớm khi cuối chiều. “Để có những tác phẩm này, và tôi được khỏe như bây giờ, nhờ bà ấy cả”-ông nhắc đến vợ bằng cả sự cảm thông và khâm phục.

Có lẽ bởi cơ trời, sự gặp gỡ của ông bà là thiên duyên kỳ ngộ, cứ thế thủy chung gắn bó và chắc bền như đá.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Mỗi ai có dịp đến thăm “bảo tàng đá” của ông Long đều choáng ngợp trước cái đẹp muôn màu muôn vẻ của đá. Ông sắp xếp đá theo từng cụm nhóm, chủ đề, và đặt tên cho từng tác phẩm. Thưởng đá trong sự thong thả, chậm rãi cùng vị đậm của trà do chủ nhà mời sẽ thấy biết bao điều thú vị. Đây mầu đen bí ẩn của hắc thạch, kia kiêu sa hoàng thạch. Rồi những đường vân, những thớ đá khiến người xem thỏa sức hình dung: nào đây hình tượng người, kia chú cá voi cưỡi sóng, con khỉ ngồi ủ rũ, hay một phụ nữ lặng phắc chờ chồng… Cùng với những tác phẩm đá được ông đặt tên theo kiểu tượng hình, còn là những tác phẩm được đặt tên theo chiều sâu tâm cảm. Hai thanh đá màu sắc tươi trẻ đứng sát bên nhau có tên “núi đôi”; một khối quấn quýt bện chặt được gọi là “tình yêu”; hay vẻ u ám kỳ dị được ông gọi là “nghiệp chướng”…

Ông Lê Thăng Long (phải) hào hứng kể chuyện về đá với khách.

Luận về sự công phu và ý nghĩa của thú chơi đá, chủ nhân của bộ sưu tập độc đáo này cho biết, đá được con người quan tâm từ sớm, nhưng đến giờ, chưa phân biệt rõ ranh giới giữa tín ngưỡng thờ đá và thú chơi đá. Theo một số công trình nghiên cứu, việc thờ đá khởi đầu thuộc về tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Còn cái hay của thú ngoạn thạch là bởi, đá tự thân hàm chứa tính tịch tịnh. Do vậy, người chơi đá, đa phần đều không mấy thích loại sắc đá quá lộng lẫy. Mầu đá được ưa thích nhất là mầu đen của hắc thạch, mầu vàng của hoàng thạch và mầu đỏ của hồng thạch.

Khách hỏi, đá cứ tự nhiên đẹp như vậy sao? Chủ đáp lời, nguyên tắc cơ bản của thú chơi đá là tôn trọng tuyệt đối tính tự nhiên, đặc biệt là giữ nguyên hình dạng của đá. Sự gia công đục đẽo dù ở chừng mực nào đều là ngược với nguyên lý tối hậu của kỳ thú này.

Thế đấy, với nhiều người, hòn đá vô tri vô giác, nhưng với “nhà sưu tầm đá” Lê Thăng Long, đá như có hồn, mỗi tác phẩm đá là một bí mật của tự nhiên mang chứa những câu chuyện đời. Đá vốn không lời nhưng ẩn chứa sức sống diệu kỳ. Nó thể hiện cái linh khí của đất trời, cái lãng mạn hào phóng của tạo hóa, trầm tịch, kiên trinh và phác thục, đường nét thăng giáng vô thường.

Mới đây ông Long lại phải vào Bệnh viện 103, kỳ ngộ thế nào lại nằm cùng phòng bệnh với ông ngoại tôi. Chẳng mấy chốc hai người bạn già đã đồng cảm chia sẻ với nhau về vẻ đẹp của đá, rồi cùng khỏe cùng ra viện. Ông tôi bảo: “Ta quý ông Long ở cái chất người chân thật, yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp của đá, vẻ tự nhiên chứ không phải chế tác.” Còn ông Long thì bảo: “Thú chơi đá không ồn ào. Vẻ đẹp của đá không lệ vào số đông thưởng ngoạn. Vì thế gặp được người hiểu mình thật quý biết bao. Nhà tuy khuất nẻo, nhưng xa cái bụi bặm thị thành lại hóa hay”.

Giữa ngổn ngang đá với đá, hai cụ già ngồi đàm đạo, tri kỷ tri âm. Có lúc rôm rả luận bàn, có lúc thâm trầm lặng lẽ. Tiếng nước trà thỉnh thoảng lại reo trong lòng chén nghe rõ mồn một. Tưởng như âm thanh núi rừng trùng điệp đâu đây.

“Đứng trước đá giúp mỗi chúng ta rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại. Bởi so với tuổi của đá, ta có là gì? So với những dãi dầu mà đá phải chịu đựng, ta có là gì? Trước đá, ta thấy mình bé nhỏ, khiêm tốn hơn là vậy. Đúng là cục đá này không dáng vẻ, vô hình tướng, nhưng không chỗ nào không hình dáng; đúng là cục đá này không ngôn ngữ nói năng, nhưng không chỗ nào là không ngữ ngôn.” – ông Long tự vấn.

Linh Cầm
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)