“Bả” tiền ảo! – Phóng sự điều tra của HÀ THÂN

“Bả” tiền ảo! – Phóng sự điều tra của HÀ THÂN

LTS – Đầu tư tiền ảo, ngoại hối (các cặp tiền tệ) hay chứng khoán quốc tế… là lĩnh vực mới, chưa được pháp luật Việt Nam và cả nhiều nước trên thế giới quy định rõ ràng. Lợi dụng những kẽ hở quản lý, nhiều đối tượng lừa đảo đã nghĩ ra đủ chiêu trò câu kéo, lôi cuốn nhà đầu tư, người tham gia mua bán (trader) nhằm chiếm đoạt tài sản. Từ đó, những hệ lụy, bi kịch cũng bắt đầu…

Kỳ I: “Xanh-đỏ” tài khoản

Ai cũng dễ dàng hình dung dù đánh buy (mua) hay sell (bán) thì số tiền bỏ ra đầu tư đều có thể xanh hoặc đỏ (tức tài khoản dương hoặc âm) theo sự biến động của thị trường. Đỏ đến một mức nào đó thì sập sàn, cháy tài khoản, mất trắng. Nhưng phần lớn các trader (người đầu tư) dường như bị hút mắt, chỉ chú ý đến màu xanh và hy vọng nó sẽ xanh mãi?! Như một cuộc đỏ đen, may rủi.

“Gậy thần” MT5

Tài (tên nhân vật đã được thay đổi) làm nghề xe ôm công nghệ. Nhưng thời gian gần đây Tài chạy xe theo cách lạ lắm. Anh luôn dán mắt vào màn hình điện thoại, không phải để tìm khách mà để phân tích biểu đồ hình nến. Đêm 21/8, Hà Nội mưa như trút nước, 21 giờ anh trả khách ở Mỹ Đình, sau đó rất nhiều cuộc điện thoại đặt xe nhưng Tài đã không bắt máy. Áo mưa sũng nước, tắc đường, Tài tấp xe vào gầm cầu vượt, khởi động MT5 (MetaTrader 5). Đã đến giờ giao dịch ở Mỹ, cuộc phân tích đầy trí tuệ bắt đầu.

MT5 là ứng dụng phiên bản mới được nâng cấp từ MT4. Đây là phần mềm giao dịch chứng khoán đang được đông đảo người dùng cả trong nước và trên thế giới sử dụng. Nhiều người ví MT5 như “cây gậy thần kỳ”. Nó làm đơn giản hóa những thuật toán phức tạp của thị trường chứng khoán, khiến cho nhà đầu tư dù mới, chưa hiểu chứng khoán là gì cũng có thể dễ dàng “khớp lệnh”, “đóng lệnh”, “cắt lỗ”, nhìn rõ lỗ hay lãi, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận cũng như nguy cơ rủi ro.

Hà Nội vẫn mưa, dưới gầm cầu vượt, tài khoản chứng khoán quốc tế của Tài sau ít phút khớp lệnh với vài cặp tiền tệ đã hiển thị xanh (dương), số dư hơn 6.000 USD. Thấy tài khoản đang chênh lệch lớn giữa số dư và tổng số giao dịch (trạng thái), Tài định bụng ra lệnh thanh khoản (rút tiền). Đang thao tác, Tài bỗng nhận được tin nhắn Telegram của V.- một “chuyên gia tư vấn” chuyên trách chăm sóc tài khoản của Tài: “GBP-đồng bảng Anh đang giảm sâu, anh buy đi chờ tăng”. Nghe lời chuyên gia, Tài dừng lệnh rút tiền, vào lệnh buy với số lượng kha khá như chuyên gia tư vấn, số dư vơi hẳn, anh tự tin hướng xe ra màn mưa vẫn đang nặng hạt, vít ga.

Trong lúc Tài tìm cách vượt qua đoạn tắc đường, điện thoại của anh bắt đầu thông báo những diễn biến bất thường. Đồng bảng Anh (GBP) không quay đầu để lệnh buy xanh như hy vọng, mà nó tiếp tục giảm sâu, tài khoản của Tài đỏ rực, âm và tiếp tục âm nữa.

Không ai học được chữ ngờ. Nếu đóng máy và ra lệnh rút tiền trước cuộc điện thoại của chuyên gia thì Tài đã được một món khá. Có vài cuộc gọi nhỡ của V. sau này được giải thích là “em điện để cảnh báo anh mà không bắt máy”. Tài khoản cháy, các lệnh bị sàn tự động đóng, cắt lỗ với cả hai lý do: số âm vượt số dư và tỷ lệ ký quỹ dưới 30%. Trong chốc lát, tài khoản của Tài bay sạch hơn 6.000 USD và dừng lại ở số nợ: -139 USD, không thể giao dịch tiếp, đóng băng.

Một thương vụ đầu tư tạm thời kết thúc, khá bất ngờ, song xem ra vẫn hợp lý. Thị trường tăng giảm khó lường, đến chuyên gia còn phải chịu. Tài ôm mộng “phục thù”.

Bi kịch bắt đầu

Dù đã hơn một giờ sáng, mắt đỏ hoe, Tài liên tục ngáp nhưng mắt vẫn không rời màn hình điện thoại và cả chiếc máy tính bảng. Ngoảnh sang trái chăm chăm biểu đồ hình nến, lại quay sang phải để canh “chỉ thị” của chuyên gia trên nhóm Zalo có tên “Đầu tư chứng khoán quốc tế 11.8” hiện có 83 thành viên. Thỉnh thoảng lại có thành viên “rời khỏi nhóm” nhưng hầu như Tài không chú ý. Ánh sáng xanh của màn hình phả lên gương mặt căng thẳng, Tài như một nhà đầu tư thực thụ. Sau này, khi tài khoản cháy rồi Tài mới vỡ lẽ con số bí ẩn “11.8”chẳng phải “phát phiếc” như giải thích mà là số nhóm đã lập được trong tháng 8 của sàn. Mỗi trader đều được mời chào đầu tư từ ít đến nhiều, các “chuyên gia giấu mặt” còn gạ nâng lên tài khoản VIP cho khỏe, hưởng nhiều ưu đãi và quan trọng là “khỏe rồi thì khó có thể cháy”. Thêm nữa, nếu các nhà đầu tư mở rộng kêu gọi thêm người tham gia thì sẽ hưởng phần trăm bậc thang, như mô hình đa cấp.

Lạ một điều, trên nhóm mà Tài tham gia, các thành viên khác liên tục đăng ảnh màn hình giao dịch, dù buy hay sell thì đều xanh lét (mỗi lệnh lãi hàng trăm thậm chí vài nghìn USD). Có lẽ, “thần tài” đã đến với Tài.

Thế nhưng, ngược lại với sự “ảo diệu” ấy, trên không ít nhóm Facebook mà Tài theo dõi thì đủ hỉ-nộ-ái-ố, khiến “nhà đầu tư” này hoang mang. Người dùng Tony Vuong than thở: “Không thể khôn hơn MT5 được. Lúc đánh demo (mô phỏng) thì kiểu gì cũng ăn. Đánh thật, ham quá, giờ lại trở về máng lợn rồi”. “Con quấy, vừa rời mắt màn hình, cho nó ăn được vài miếng, quay ra, tài khoản đã sạch bách”, tài khoản Facebook có tên Ngocbich chia sẻ cú sốc “hồi chơi món thượng lưu này trên MT4”,… Rất nhiều những thở than, được mất, comment qua lại, đủ cung bậc cảm xúc, suốt đêm. Giao dịch theo thời gian thật ở nửa kia Trái đất mà.

Nhớ lại thời gian đầu, mỗi người mỗi việc, đang yên đang lành với thu nhập túc tắc của mình, thì bỗng dưng có nhiều cuộc điện thoại giới thiệu về sự kỳ diệu của “cỗ máy thần kỳ” MT5. Phần lớn các chuyên viên tư vấn này sau khi gọi điện thoại chủ yếu làm việc với người muốn tham gia đầu tư qua Zalo, Viber… với việc kết nạp họ vào các nhóm tư vấn đầu tư, tràn ngập hình ảnh của các nhà đầu tư liên tục nạp những khoản tiền lớn cùng những danh mục đầu tư siêu lợi nhuận để tạo niềm tin. Lạ một điều, khi người chơi yêu cầu gặp mặt, họ tìm đủ lý do tránh mặt.

Tháng 6/2022, Công an phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) nhận được trình báo của một người tên K. (sinh năm 1980, trú trên địa bàn) về việc bị lừa đảo số tiền hơn 300 triệu đồng. Trước đó, anh K. nhận được lời mời tham gia “đầu tư sàn ngoại hối” (forex) với hứa hẹn lãi khủng. Nghe lời đường mật, K. đã nạp 250 triệu đồng vào tài khoản của người môi giới cung cấp. Nhưng sau khi chuyển tiền xong, anh K. không rút được tiền. Chủ sàn yêu cầu anh phải nâng cấp lên tài khoản VIP mới rút được. Tuy nhiên, sau khi chuyển thêm 88 triệu đồng nữa, anh K. vẫn không rút được tiền và bị xóa khỏi nhóm giao dịch, không thể liên lạc được với “nhà tư vấn” kia nữa. Lúc này, anh K. vỡ lẽ bị lừa và đến Công an trình báo.

Tất nhiên, K. chỉ là một thí dụ trong số rất nhiều nạn nhân của chiêu lừa đảo này ở cả trong nam ngoài bắc thời gian gần đây.

Một cán bộ điều tra chia sẻ, cái khó của cơ quan chức năng và cũng bất lợi cho các nhà đầu tư là trong quá trình giao dịch, chuyển tiền, giữa các trader và người môi giới hay sàn không ký kết bất cứ một hợp đồng nào.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-A05 (Bộ Công an) cũng nhiều lần cảnh báo: Các công ty chứng khoán Việt Nam chỉ quảng cáo thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, còn các công ty tự xưng hoạt động đầu tư chứng khoán quốc tế thường chủ động tiếp cận khách hàng qua Zalo, Facebook… cá nhân để lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư. Các đối tượng không giới thiệu rõ ràng về công ty tại Việt Nam, không cung cấp địa chỉ trụ sở công ty hoặc cung cấp nhưng ở xa để người tham gia khó có điều kiện xác minh. Họ tự xưng là nhân viên của sàn này sàn nọ nhưng không có thông tin để kiểm tra, không có giấy tờ pháp lý và cũng không cho gặp mặt, hoặc nếu muốn gặp mặt thì điều kiện là khách hàng phải đầu tư số tiền lớn vài chục nghìn USD trở lên.

Lúc này, khi nợ đã chồng nợ, tài sản còn lại duy nhất là chiếc xe máy giúp Tài kiếm cơm hằng ngày cũng đã nằm ở tiệm cầm đồ và không có khả năng chuộc lại, anh mới search google và đọc được những cảnh báo trên. Thôi thì thiếu gì học nấy, “ai nên khôn chẳng dại một đôi lần”, Tài mở máy, tìm kiếm các lớp học, các khóa đào tạo. Một lần nữa Tài hoa mắt với cơ man topic, nhóm chia sẻ kinh nghiệm của những người đi trước: “Đầu tư chứng khoán quốc tế”, “Tìm hiểu cỗ máy in tiền”, “Cẩm nang giao dịch ngoại hối”, “Thiết lập hệ thống giao dịch hoàn hảo”, “Phong cách chơi nhân đôi tài khoản mỗi ngày”… và cả “Bí quyết cứu cháy tài khoản”. Rồi những lời khuyên nghiên cứu cả sách về quản lý vốn, về tâm lý đầu tư, về kỷ luật tài chính… cùng sự khẳng định về khả năng thành công gần như tuyệt đối.

Trong lòng Tài hân hoan trở lại!

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tại Việt Nam hiện nay chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) Việt Nam và các công ty con là SGDCK Hà Nội và SGDCK TP Hồ Chí Minh được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán. Các tổ chức, cá nhân kêu gọi, mời chào nhà đầu tư tham gia giao dịch chứng khoán thông qua sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hoặc công ty trung gian có kết nối với các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế là không đúng quy định.
(Còn nữa)

[Bài đăng báo Nhân Dân cuối tuần số 37, 11/9/2022]

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)