Một số câu hỏi mà chúng tôi thấy cần được giải đáp: Vì sao lại là Xoan cổ? Xoan cải biên có đang phát triển? Cải biên Xoan có phải là đang giết chết di sản hay không?
Theo phutho.gov.vn: Do nguồn gốc của hát Xoan gắn với những câu chuyện truyền thuyết của thời đại Vua Hùng; các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang như: Kim Đái, Phù Đức, Thét (xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu), thành phố Việt Trì, nên hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ thuộc tầng sâu của văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc ta. Vì Xoan có bề dày lịch sử, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, không gian văn hóa rộng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cộng đồng. Trên chặng đường dài của lịch sử, hát Xoan đã được nhiều thế hệ nối tiếp trao truyền. Xoan cổ giữ nguyên lời cổ là để phân biệt với Xoan cải biên.
Còn nhớ năm 2012, hàng loạt báo đăng tải những bài viết phê phán việc cải biên Xoan, như “Chèo hóa hát Xoan”, hay “vừa được công nhận, Xoan đã bị cải biên”. Rất nhiều nghệ nhân Xoan, những nhà nghiên cứu văn hóa phản đối gay gắt việc cải biên Xoan, ghép nhạc mới, sân khấu hóa đang (thời điểm ấy) trở nên thịnh hành.
Trong dịp đến thăm các phường Xoan gốc ở Phú Thọ lần này, chúng tôi tình cờ được dự một buổi trình diễn hát Xoan ở đình Hùng Lô (thành phố Việt Trì) – một trong những ngôi đình cổ nổi tiếng của tỉnh Phú Thọ, nơi thờ Vua Hùng và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương. Tại đây, chương trình “Hát Xoan làng cổ” đang được tổ chức biểu diễn phục vụ các thầy cô vào các cháu mẫu giáo của một trường mầm non ở địa phương. Theo chương trình “Hát Xoan làng cổ” các tiết mục được trình diễn là những bài Xoan cổ, do nghệ nhân của phường Xoan An Thái (một trong bốn phường Xoan gốc) trình diễn.
Là một trong bốn phường Xoan gốc ở Phú Thọ, phường Xoan Phù Đức còn lưu giữ lại được những nét đặc sắc của câu Xoan mang đậm dấu ấn cội nguồn. Được biết, phường Xoan Phù Đức được thành lập từ rất lâu rồi, không biết được chính xác từ thời gian nào. Chỉ biết rằng, để có được sự phát triển như ngày hôm nay, phường Xoan Phù Đức đã trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Hội, trùm phường Xoan Phù Đức cho biết, ông là một trong số những nghệ nhân góp phần đưa Xoan ra thế giới để được vinh danh như ngày nay. Và vì là một nghệ nhân của phường Xoan gốc, nên việc giữ gìn Xoan cổ luôn được ông và gia đình đau đáu. Theo ông Hội, hiện nay trên địa bàn Phú Thọ, ngoài bốn phường Xoan gốc, thì đã có trên dưới 30 phường Xoan và CLB Xoan hoạt động, phục vụ nhu cầu du lịch và lễ hội. Tuy nhiên, việc Xoan đã được cải biên, sân khấu hóa, thêm nhạc đã khiến cho Xoan được trình diễn đến diện mạo của Xoan… khác hẳn.
Có ý kiến cho rằng, việc “cải biên Xoan” là để Xoan hội nhập với xu hướng quốc tế, để được giới trẻ đón nhận nhiệt tình hơn. Và cũng có ý kiến lý giải: Việc bảo tồn nguyên dạng Xoan cổ thực hiện ở các nghi lễ, hay tổ chức hát ở các đình, đền, nơi thờ tự của cộng đồng là được rồi, còn khi đưa lên sân khấu, cũng cần cải biên cho phù hợp với tính chất của sân khấu.
Vấn đề ở đây là: Hát Xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và vì thế, hát Xoan không những được bảo tồn, bảo tồn nguyên dạng, mà còn phải được phát huy, phát triển. Chúng ta bảo tồn Xoan như Xoan vốn được truyền đời: lời ca, hình thức trình diễn. Nét đặc sắc hơn cả của Xoan là khi múa có hát và ngược lại khi hát có múa và nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da.
Nhưng, khi Xoan đã được quảng bá rộng rãi đến công chúng, trong đó không chỉ là công chúng ở địa phương, mà còn các nơi trên thế giới, thì thế giới sẽ biết đến Xoan như cách Xoan được trình diễn, giới thiệu chủ yếu qua các hoạt động lễ hội, sân khấu. Và ngoài việc bảo tồn, Xoan cần được phát triển để đáp ứng với nhu cầu quảng bá du lịch, văn hóa và nhịp sống đương đại.
Bảo tồn, bảo tồn nguyên dạng không phải là bài toán khó hiện nay, nhưng phát triển thì thế nào? Xoan phát triển có phải là nghệ nhân phải thêm trang phục khác lạ (như Chèo, có bài báo đã phản ánh năm 2012)? Hay thêm nhạc mới? Hay viết lời mới? Hay có cách phân chia rõ ràng: Xoan cổ và Xoan mới?
Với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, ta đều thấy có tính cổ truyền, như Chèo, Quan họ, Tuồng… Chúng ta cũng thấy Chèo được cải biên, và trong mỗi tiết mục Chèo khi được giới thiệu trên sân khấu hay đài phát thanh truyền hình, đều ghi chú “lời cổ” hay “lời mới”. Việc đặt lời mới cho các làn điệu cổ của các loại hình nghệ thuật truyền thống đã phát triển lâu nay, và không chỉ lời mới, các vở mới cũng được soạn và ít ai có ý kiến phản đối. Có thể, vì các hình thức nghệ thuật đó khác Xoan. Xoan là loại hình nghệ thuật bám rễ vào tín ngưỡng. Xoan gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và cho thấy đời sống tâm linh, văn hóa của người Việt cổ.
Ông Nguyễn Xuân Hội cho biết: “Chúng tôi, bốn phường Xoan gốc chủ yếu giữ cái gốc của Xoan, đó là Xoan cổ. Tuy nhiên, các câu lạc bộ Xoan hiện nay đã không giữ được cái gốc đó. Người ta nói Xoan cổ cứng nhắc quá, nên chuyển qua sân khấu hóa để Xoan trở nên vui nhộn, vừa mắt du khách.”
Là một trong những nghệ nhân của bốn phường Xoan gốc, thường xuyên về các địa phương khác để truyền dạy Xoan, ông Hội chia sẻ: “Khi tôi về dạy Xoan ở các xã, thì các anh chị em học viên đều nói “Đúng như ông truyền dạy thế này thì chúng cháu không có phàn nàn chê bai gì, nhưng về dưới cơ sở truyền đạt lại sai lệch đi rất nhiều”. Tôi chỉ có thể nói: Xoan đã lan tỏa rồi, làm sao cho vui nhộn, đẹp mắt khách quan, khách quốc tế, nhưng phải giữ được cái gốc của mình, đừng có làm sai lệch đi. Họ nói “Chúng con không dám sửa lời các cụ, chỉ có sân khấu hóa lên làm sao cho xoan vui nhộn, sinh động hơn thôi”.
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch, trùm phường xoan An Thái thì cho rằng: Việc thêm nhạc vào các bài Xoan cổ tôi thấy cũng rất hay. Một số bài Xoan được phổ nhạc, tôi thấy sinh động hơn, hay hơn, và đặc biệt là lời thì không bị đổi. Nhưng khi nghe các nhạc sĩ nói muốn phổ nhạc cho các bài Xoan cổ, tôi cũng nói nếu các anh đưa nhạc vào Xoan, thì cũng nên hỏi ý kiến các nhà nghiên cứu, chứ bản thân chúng tôi cũng không dám đưa nhạc mới vào Xoan khi đi trình diễn. Nhiều lần, trong nhiều cuộc họp tôi cũng có ý kiến cái gì chúng ta gìn giữ di sản thì ta vẫn giữ nguyên còn cái gì nếu có thể đưa nhạc vào hay đặt lời mới để thích ứng với đời sống đương đại có được không? Thì được các nhà nghiên cứu nói là “hết sức bình tĩnh”. Nhưng mà theo cá nhân tôi, việc đưa nhạc vào Xoan có vẻ như được đón nhận nhiều hơn.”
Năm 2012, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan (người trực tiếp tham gia viết hồ sơ hát Xoan đệ trình UNESCO) đã trả lời trên báo Tuổi trẻ: “Việc cải biên hát xoan là chủ trương của tỉnh Phú Thọ, giao cho đoàn chèo cách tân các bài hát trong chặng hát giao duyên. Tôi biết họ đã mang đi trình diễn nhiều nơi với mục đích quảng bá di sản hát xoan Phú Thọ. Nếu cứ như thế này thì người hiện đại sẽ không thể hiểu thế nào là xoan nữa.”.
Việc ứng xử với di sản, từ vật thể đến phi vật thể ở ta luôn được các nhà nghiên cứu văn hóa cảnh báo mỗi khi thấy có dấu hiệu làm lệch lạc, nhưng những tiếng nói, những lời “kêu cứu” da diết ấy có được lắng nghe và có được thấu hiểu, chia sẻ hay không, luôn phải mất…một thời gian dài. Và có lẽ không ai muốn thấy Xoan trong tình trạng chênh chao như thế.
QUANG THANH*
(Theo tạp chí Văn hóa và Phát triển)
* Phó Trưởng phòng Nghiên cứu di sản – Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển.
https://vanhoavaphattrien.vn/cai-bien-hat-xoan-nhung-thach-thuc-cua-thoi-dai-a18548.html