CHƠI VƠI TRỜI CHIỀU, CHƠI VƠI PHẬN NGƯỜI

CHƠI VƠI TRỜI CHIỀU, CHƠI VƠI PHẬN NGƯỜI

Văn học nước ngoài:
(Đọc truyện ngắn Chơi vơi trời chiều của Thiết Ngưng, Trung Quốc).

Năm 1982, khi mới 25 tuổi, Thiết Ngưng xuất hiện với thiên truyện hết sức trong sáng Ôi, Hương Tuyết, sau này được coi là tác phẩm thành danh của tác giả. Rồi sau hàng loạt truyện ngắn khác đã khiến cái tên Thiết Ngưng gây ấn tượng với đông đảo bạn đọc. Mười lăm năm sau, năm 1997, truyện ngắn “Chơi vơi trời chiều” xuất hiện đã khẳng định tài năng của nhà văn Thiết Ngưng với bạn đọc Trung Quốc và thế giới. Thiết Ngưng cũng như các đồng nghiệp Trương Kháng Kháng, Vương An Ức, Trì Lợi…, là các nhà văn tiêu biểu đầy sức sáng tạo của nền văn học Trung Quốc đương đại vừa viết truyện ngắn vừa viết tiểu thuyết, nghiên cứu phê bình Văn học.
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn cho rằng, truyện ngắn Chơi vơi trời chiều là một tác phẩm sắc nhọn. Điều đó có lý do của nó. Chủ đề của truyện đi vào các vấn đề thiện ác, một chủ đề thuộc loại vĩnh cửu trong văn học. Câu chuyện lại triển khai qua lời tự thú của người trong cuộc trên cái nền của một nghĩa trang, nhờ thế, ý nghĩa nhân sinh được mở ra rộng rãi. Trong một ít giấy mực phải nói là hạn hẹp, tác phẩm vẫn tạo được một hòa sắc mỹ học đa dạng. Thiêng liêng và tầm thường, cao cả và thấp hèn, khoảnh khắc và vĩnh viễn, những cặp phạm trù mang những sắc thái khác nhau, được đẩy lên đến mức đối lập với nhau một cách dữ dội.
Câu chuyện thuật lại cuộc gặp gỡ tình cờ giữa người kể chuyện (nhân vật xưng tôi) làm nghề phóng viên với người phụ nữ tên Quế Tâm tại một nghĩa trang liệt sĩ. Sau đó, phần lớn dung lượng của truyện là lời tự thú của Quế Tâm. Quế Tâm nhớ lại năm cô ấy lên năm tuổi, vì một lý do rất đơn giản là sự ghen tỵ của trẻ con mà cô đã đẩy ngã làm một cậu bạn cùng học mẫu giáo với cô bị chết. Sự việc đó xảy ra vào năm 1958, trong suốt 40 năm qua, cô luôn sống trong sự dằn vặt, ân hận, lương tâm cắn dứt.
Bằng nghệ thuật xây dựng truyện ngắn đặc sắc, nhà văn Thiết Ngưng đã khéo léo đưa vào câu chuyện những suy nghĩ về nhân tình thế thái, về phận người trong một kết cấu truyện gần giống với một phóng sự. Người kể chuyện hoàn toàn khách quan khi thuật lại cuộc trò chuyện của mình với Quế Tâm bằng máy ghi âm, toàn bộ nội dung truyện ngắn nằm gọn trong năm đoạn băng ghi âm. Điều này, tạo ấn tượng mạnh cho người đọc có cảm giác như câu chuyện là có thật, nhân vật và sự kiện cũng có thật. Từ đó, gợi cho người đọc nhiều suy ngẫm.
Mở đầu truyện ngắn, nhân vật xưng tôi kể lại cảm xúc của mình khi chứng kiến đám tang của người bà: “…, một bà già sống đến chín mươi tuổi., đã từng là thị trưởng của thành phố nơi tôi ở hồi những năm 50. Bốn mươi năm sau, rất ít người ở thành phố này biết bà, nhưng đến tiễn đưa bà bên linh cữu vẫn còn khá đông”. Bằng chính những điều mắt thấy tai nghe tại nhà tang lễ, tác giả đã đưa ra những kiến giải, dường như người sống khi đến dự đám tang để tiễn đưa người quá cố thì ít mà để “cư xử” với nhau là nhiều. Trước vong linh người quá cố, rất nhiều người đã “chảy nước mắt”, người kể chuyện không có lý do gì để không khóc, nhưng cuối cùng cũng không khóc được. Tác giả giải thích: “Tôi nhìn vẻ mặt thi hài bà tôi đang nằm trong quan tài kính kia, phát hiện những người hóa trang đã tô cho bà tôi có khuôn mặt đỏ hồng. Tất nhiên đó là ý tốt của những người thợ hóa trang, muốn nhìn người chết như người đang sống. Vấn đề ở chỗ bà tôi lúc sống không phải như thế, suốt đời bà không dùng mỹ phẩm, càng không nghĩ khi chết lại được hóa trang tô vẽ lên khuôn mặt mình.” Tác giả đã bắt đầu “gây sự” với người đọc, dẫn người đọc đi vào mạch suy tư của nhà văn một cách nhẹ nhàng và tự nhiên.
Từ một đám tang, nhà văn dẫn dắt người đọc đến khung cảnh của một nghĩa trang liệt sĩ. Ở đây, tác giả tình cờ gặp Quế Tâm, sau này trở thành nhân vật chính của truyện ngắn. Từ đoạn Băng ghi âm thứ nhất, qua câu chuyện của Quế Tâm, người đọc cùng nhớ lại khung cảnh thời kỳ cách mạng văn hóa ở Trung Quốc vào những năm 50 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn đó, là sự bề bộn của cuộc sống hỗn độn giữa cũ và mới, đúng và sai, thiện và ác, truyền thống và hiện đại. Quế Tâm nhớ lại lúc còn nhỏ phải sống trong không khí u ám của một gia đình tiểu tư sản. Bố cô là người bằn tiện và vũ phu, suốt ngày đánh đập mẹ cô. Bố cô như một tàn dư của chế độ phong kiến hà khắc còn sót lại, “Hán gian”. Mẹ cô tâm sự với cô: “Tất cả những người đàn ông ra ngoài rất hòa nhã, có đến tám chín phần mười khi về nhà đều như những hung thần, ác quỷ”.
Kết cấu truyện được nhà văn lồng ghép bằng những đoạn Băng ghi âm, không chỉ tạo cho người đọc cảm giác tin tưởng vào những sự kiện những tình huống truyện là có thật mà còn tạo ra cách dẫn dắt người đọc linh động, ngôi người kể chuyện có thể được thay đổi liên tục, lúc này là tác giả, lúc khác lại chính là nhân vật tự truyện. Ở Băng ghi âm thứ hai, Quế Tâm (xưng tôi) giới thiệu người mẹ tên là Trương Mỹ Phương. Nếu như ở Băng ghi âm thứ nhất, là những tâm sự, những ấn tượng về cuộc sống không hạnh phúc của bố và mẹ, thì đến đoạn này cô ấy tự bạch về thời gian đầu sống với mẹ sau cuộc ly hôn giữa hai bố mẹ cô. Cô kể: “Từ ngày mẹ tôi ly hôn, mẹ tôi dồn mọi chú ý vào tôi, mẹ tôi yêu tôi lắm, yêu đến mức tôi đâm nghi ngờ: tôi cho rằng trong đó có bố tôi – thi với bố tôi. Mẹ tôi muốn để bố tôi biết, không phải mẹ tôi không thể bỏ được ông, dù một thân một mình cũng sẽ nuôi dạy tôi nên người. Bởi vậy, mẹ tôi tạo cho tôi cuộc sống vui tươi. Nhưng vui tươi là gì? Tôi có cách lý giải của riêng tôi.” Do đâu mà một đứa trẻ con ở độ tuổi còn đang đi nhà trẻ, lẽ ra nó phải được thoải mái chơi vui với bạn bè, hồn nhiên, trong sáng, đằng này nó lại có những suy nghĩ ác cảm với người lớn, với chính bố mẹ nó, xót xa đến vậy?! Để trả lời cho câu hỏi này thật không dễ. Chúng ta cùng hình dung về xã hội Trung Quốc những năm 50 của thế kỷ trước, đây là giai đoạn quan trọng của cuộc đại cách mạng văn hóa, khiến cho sự phân biệt đối xử giữa các giai cấp xã hội khác nhau, sự phân chia giai cấp sâu sắc từ sau cách mạng. Một xã hội như vậy cũng đã khiến cho con người ta sống ác hơn, đố kỵ hơn. Dưới đây tôi xin nhắc lại khoảnh khắc đã gây ám ảnh suốt cuộc đời Quế Tâm: “Bây giờ là lúc tôi thực hiện quyết tâm của mình, có thể chỉ một giây nữa thôi (…) Cổ họng tôi khô rát, tôi nhích sang phía tay trái thằng Phi, đưa tay phải ra… thằng Phi biến mất ngay trước mắt tôi. Tôi thấy nó chúc đầu xuống, không rơi vào máng trượt, mà lộn ra ngoài, rơi vào đống sắt vụn. Tôi nghe một tiếng “bịch”, thấy đầu thằng Phi chảy máu, tôi nghĩ nó chết mất. Khi tôi nhìn vào máng trượt thì thấy mẹ Phương giương to mắt, ngước lên trừng trừng nhìn tôi đang đứng trên thang cầu trượt. Vào lúc hai mẹ con tôi nhìn nhau, tôi biết mẹ tôi đã hiểu tất cả, mẹ tôi là người mục kích, tất cả những đứa trẻ khác ở đấy sẽ không là gì. Mẹ tôi đưa ngón trỏ bên tay phải lên ép chặt vành môi. Tôi nhận ra đó là một tín hiệu bảo tôi im lặng, đồng thời cũng lệnh cho chính mẹ tôi không được kêu lên.” Cũng từ hành động ra hiệu im lặng của mẹ Quế Tâm đã là nỗi sợ hãi mãi sau này của bà. Bà sợ bị phát hiện, sợ bị mất việc và sợ từ cái miệng nhỏ xinh con trẻ của Quế Tâm lúc nào cũng muốn kể tiếp phần sau của câu chuyện “Một hôm, sau khi ngủ trưa dậy, chúng em đến một ngọn núi…”
Sang Băng ghi âm thứ tư, thứ năm, là những lời “tự thú” của Quế Tâm (xưng tôi), mỗi cuốn băng có kết cấu như một truyện ngắn đã hấp dẫn người đọc đọc liền mạch tác phẩm. Tuy chỉ là lời kể của một nhân vật sống qua thời cách mạng văn hóa của Trung Quốc, nhưng như một nhân chứng sống đã khiến cho một giai đoạn lịch sử hiện về thật sống động. Nghệ thuật kể chuyện như vậy đã khiến cho người đọc đắm chìm vào xúc cảm cùng nhân vật, vui buồn cùng nhân vật. Cái thời mà “nghi ngờ có thể coi là bằng chứng được rồi” thì sự “quy chụp” sẽ không thể nào tới được chân lý. Từ sự nghi ngờ chính mẹ Quế Tâm hãm hại bé Trần Phi trong sự cố 1958. Chỉ là sự nghi ngờ không có bằng chứng, vậy mà: “Theo đó, có người luận ra rằng, nếu đúng như thế, vụ việc này sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ quốc tế, liệu cô giáo Phương có gánh chịu nổi trách nhiệm không? Có thể không phải là “sẽ” mà là “đã”, như mọi người đều biết, quan hệ Trung Quốc và Indonesia mấy năm gần đây không bình thường, cái chết của Trần Phi làm cho quan hệ hai nước, quan hệ giữa nhân dân Trung Quốc và Hoa kiều bị bóng đen bao phủ…”
Nhà văn Thiết Ngưng bằng thủ pháp xây dựng chi tiết, xây dựng nhân vật đã dẫn dắt người đọc từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Rồi thời kỳ cách mạng văn hóa qua đi, con người lại sống với nhau bằng những bộ mặt khác, phải trái là do mỗi người suy nghĩ: “Cách mạng văn hóa kết thúc, mẹ tôi về lại trường mẫu giáo đường Bắc Kinh và nhanh chóng được đề bạt làm Hiệu trưởng. (…) Đây là thời giải phóng tư tưởng. Mẹ tôi sâu sắc nhận ra cái khổ cực, nhất định bà phải nói, bà phải tìm được điểm đột phá để báo thù. Trong thời đại ngày nay mẹ tôi vẫn chọn cái chết của Trần Phi hồi năm 1958, vì những cô giáo mới đến đều hỏi hiệu trưởng tại sao sân chơi của các cháu không có cầu trượt?” Nhưng, thời đại nào thì tốt xấu cũng vẫn luôn hiện hữu trong mỗi con người. Để trả lời câu hỏi đó, trong các hội nghị lớn nhỏ bà hiệu trưởng mới đều kể lại câu chuyện buổi chiều năm xưa. “Mẹ tôi không nói đến con khỉ bằng sắt của Anh trong tay thằng Phi, bà chỉ nói đến đống sắt vụn. Mẹ tôi nói, một thời đại cuồng vọng đã dẫn đến cái chết của một đứa trẻ. Nếu không có phong trào đại nhảy vọt, trường mẫu giáo sẽ không có chuyện nấu thép, nếu không có chuyện nấu thép, thảm cỏ dưới chân cầu trượt sẽ có không có đống sắt vụn, cho dù trẻ con ngã xuống cũng không dẫn đến cái chết.” Hiển nhiên đây là những suy luận hoàn toàn cảm tính và phi lý.
Qua từng băng ghi âm, tác giả khiến cho người đọc thật sự tin vào từng nhân vật, tin vào sự việc buổi chiều năm 1958. Nhưng thật bất ngờ, đến đoạn cuối, người đọc ngỡ ngàng và chính người đọc cũng không hiểu thực hư là thế nào nữa: “Quế Tâm lặng đi trong giây lát (tôi cho rằng chỉ là để cân nhắc) rồi nói: tôi nghĩ mình đã bịa chuyện, cho dù hồi năm tuổi tôi có ý nghĩ tiêu diệt thằng Phi nhưng cũng không đủ sức mạnh để tiêu diệt, vì nó là con trai… nó… tóm lại tôi không biết. Có thể tôi đã nằm mơ, mơ là gì nhỉ? Có một danh nhân nói, mơ là thứ duy nhất được hưởng mà không mất tiền mua. (…) Cho nên, cô trả những cuốn băng ghi âm lại cho tôi, cô nghe thấy không?” Thế rồi, cả tác giả và người kể chuyện đều bỏ lại những cuốn băng ở nghĩa trang liệt sĩ. Chi tiết này mỗi người suy nghĩ theo một cách, còn nhân vật thì giải thích: “Tôi tin rằng, người nằm dưới mộ kia không có bao nhiêu giấc mơ, đã chết cho một lý tưởng giản dị, trong sáng. Chính vì thế mà người nằm dưới mộ dễ dàng làm cho những người sống trở nên phức tạp và phải vĩnh viễn xâu hổ.” Người được nhắc đến nằm dưới mộ ấy là một liệt sĩ cách mạng có tên Lưu Ái Trân.
Sau năm cuốn băng ghi âm với những buồn vui, thật giả của những nhân vật, những giai đoạn trong quá khứ khác nhau. Tại sao những cuốn băng lại bị bỏ lại nghĩa trang liệt sĩ. “Điều này chừng như tôi và Quế Tâm cùng chung một ý nghĩ, cùng bỏ trốn những cuộn băng ghi âm, có thể vì chúng quá ư giả dối, hoặc có thể vì chúng hết sức chân thật”. Nhân vật có cách tự vấn của nhân vật, nhà văn có cách tự vấn của nhà văn, người đọc cũng có cách tự vấn của riêng mình. Phải chăng vì tác giả muốn nói, cuộc đời là vậy đó, muôn màu muôn vẻ, rất bình yên mà cũng đầy bất trắc. Những người qua lại giữa đời, đối diện với tất cả những cái đó, đúng là có những lúc cảm thấy lực bất tòng tâm. Tôi xin mượn một câu nói trong truyện thay cho lời kết: “Tôi chỉ nhớ liệt sĩ Vương Thanh, liệt sĩ Lưu Ái Trân dưới mộ kia là những người mãi mãi thanh xuân, thân mình vĩnh viễn trong sạch.” Chơi vơi trời chiều mà cũng chơi vơi phận người là vậy.

Khúc Hồng Thiện
(Bài đăng Tạp chí văn nghệ Ba Bể, 11-2021)

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)