Một vùng trà tuyết ngậm hương

Một vùng trà tuyết ngậm hương

“Tôi từng đến 120 nước trên thế giới để nghiên cứu về chè, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè cổ thụ như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh shan tuyết có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”. Đó là đánh giá từ những năm 1960 của M.K Djemukhatze, Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), chuyên gia hàng đầu thế giới về nghiên cứu chè, đủ thấy giống cây này quý đến thế nào.

Mộc mạc “Đằng Trà”

Lời nhận xét trên được chính tay ông M.K Djemukhatze viết trong cuốn sổ lưu niệm tại xã Suối Giàng cách nay đã hơn nửa thế kỷ trong dịp ông sang Việt Nam nghiên cứu về chè. Chừng ấy thời gian tưởng là lâu nhưng nếu đem so với những gốc chè shan tuyết vài trăm năm tuổi thì lại chưa đáng kể. Thời gian càng chẳng là gì khi muôn búp chè xanh biếc vẫn khỏe khoắn từng ngày đua nhau nảy ra từ hàng ngàn thân cổ thụ xù xì mốc trắng.

Sáng sớm tinh mơ, khi sương đêm còn lãng đãng phủ tràn các bản làng Suối Giàng, những nóc nhà còn mờ ảo trên độ cao gần 1.400 m, đã thấy tiếng con gái Mông ý ới gọi nhau lên núi hái chè. Giữa xúng xính xiêm y thổ cẩm, giữa nói cười rổn rảng, các sơn nữ đeo gùi trên lưng, thuần thục trèo lên những thân cổ thụ, thoăn thoắt lựa những búp chè nõn. Cái công phu của việc hái chè shan tuyết là lựa ngày sương, rồi phải đi sớm hái nhanh sao cho kịp trước khi mặt trời thức dậy, sương còn đọng trắng trên búp non. Nếu để ánh nắng rọi lên lá sẽ kích thích quá trình quang hợp làm tăng vị chát, mất mùi hương, giảm chất lượng chè.

Ông Giàng A Đằng, Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng, cũng là chủ cơ sở chế biến chè có thương hiệu nổi tiếng Đằng Trà. Theo cách giải nghĩa mộc mạc của người Mông, ông tên Đằng, Đằng Trà tức là chè nhà Đằng. Song như một cái duyên kỳ ngộ, “vợ tôi cũng tên là Trà, vậy là lấy Đằng Trà thì hợp quá”, ông vui vẻ kể.

Mỗi khi có khách đường xa ghé nhà, ông chủ A Đằng bao giờ cũng vận trang phục truyền thống, rồi tự tay pha trà đãi khách.

Ngồi quan sát cách ông hãm trà cũng đã thấy bao điều thú vị. Nước được đun trong một chiếc ấm đất, sôi vừa độ thì tắt lửa. Một bộ ấm chén bằng sứ đã được rửa sạch để ráo. Những búp chè khô, cong hình móc câu còn phủ một lớp lông tơ trắng như tuyết được bỏ vào ấm. Lắng tai có thể nghe thấy tiếng búp chè va vào thành ấm mà biết chè đạt độ khô ở mức nào, có chuẩn hay không. Sau đó nước được rót vào từ từ cho đến khi bọt trào khắp ngoài ấm thì mới đậy nắp. Trà ngấu sẽ được rót làm hai lượt ra đều các chén. Nhìn nước chè vàng óng, hương thơm thoang thoảng, nhấp một ngụm nhỏ đã thấy vị chát lan tỏa, rồi dần dần là vị ngọt đậm cứ chầm chậm thăng hoa nơi đầu lưỡi, như muốn níu kéo khách đường xa ở lại với xứ này.

Chè shan tuyết Suối Giàng nổi tiếng là loại thượng hạng “năm cực, hai không”. Người dưới xuôi vẫn nghe thế nhưng chưa hiểu ngọn ngành. Ánh mắt ông Đằng sáng lên, hóm hỉnh: “Cực khổ thì các anh biết rồi, để hái được là một kỳ công, do chỉ có thể hái nó được một vụ trong năm và mỗi vụ chỉ được hái trong vài ngày viên mãn nhất. Đó còn là loại chè “cực ngon” vì được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, chỉ chọn búp non duy nhất (gọi là một tôm), búp phải mẩy, căng, đậm tuyết. Thứ ba là “cực sạch” bởi sinh trưởng trên độ cao như thế này, chỉ có đất trời và sương giá “miền thượng giới” nuôi dưỡng búp chè, tuyệt đối không hề biết thế nào là chất kích thích. Vẻ đẹp đại thụ của shan tuyết là vẻ đẹp lão trượng dạn dày gió sương chốn “thâm sơn cùng cốc” đã từ chối với tất cả những can thiệp của con người. Còn “cực hiếm” và “cực đắt” thì ai cũng biết rồi”. Giọng sang sảng, phong thái dứt khoát, mộc mạc của người Mông, A Đằng lại tiếp: “Hai không là sao a. Tức là, người mua thì không được dùng, còn người dùng thì không phải mua, thế thôi. Đắt thế, hiếm thế nên chỉ dám mua làm quà biếu thôi chớ, phải không?” Đến đây, cả khách và chủ cùng cười như tri âm tri kỷ.

Người dân sống nhờ lộc từ chè cổ thụ… và mơ ước thương hiệu quê hương vươn xa.

Cho Suối Giàng dậy hương

Vẻ đẹp của xứ chè Suối Giàng không chỉ có thế. Vẻ đẹp ấy được nhân lên qua cách ứng xử của con người với cây cỏ thiên nhiên. Người Mông Suối Giàng biết ơn cây chè lắm lắm. Chẳng thế, đời ông truyền đời cha, đời cha truyền đời con không chỉ biết thu hoạch, biết chăm sóc bảo vệ cây mà còn phải giữ gìn nếp văn hóa “thờ cây”. Cụ Giàng Nhà Lử năm nay đã ngoài tám mươi tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, cứ mỗi dịp đầu xuân lại được dân bản ủy thác làm chủ tế trong lễ cúng cây chè tổ. Lễ cúng này được chính quyền xã đứng ra tổ chức.

Mỗi dịp đón Tết Nguyên đán cổ truyền hằng năm, khoảng từ mồng 5 đến 15 tháng Giêng, những người già trong bản họp nhau lại chọn lấy ngày tốt làm lễ cúng. Ngày hành lễ, sản vật tuy đơn sơ lòng thành, song ai nấy phải ăn vận trang phục truyền thống, sạch sẽ, cung kính trước cây chè tổ. Trước gốc chè đại thụ rộng đến hai vòng tay người ôm, cành lá sum suê, bạc trắng bởi lớp địa y; cụ Lử kính cẩn nói những lời biết ơn cây chè, biết ơn trời đất đã đem đến no ấm cho dân bản. Trong lời văn, cụ cũng không quên hứa trước thiên nhiên tạo vật, cũng là nhắc nhở cháu con phải biết chăm sóc, bảo vệ cây luôn xanh tươi phát triển.

Tôi có điều kiện trở đi trở lại vài lần lên Suối Giàng, đã bị vị ngon tuyết sơn trà và vẻ đẹp hoang sơ của bản làng nơi đây quyến rũ. Thế nhưng, hè này trở lại lòng bỗng thấy bâng khuâng. Bâng khuâng bởi tận mắt chứng kiến một số cây chè đại thụ đã và đang bị mối xông khô khốc, có cây bị chặt làm củi, có cây vẫn đứng sững trơ trọi. Tuy Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái cũng đã quan tâm đến khảo sát, gắn biển bảo vệ, nhưng một số cây vì quá già cỗi nên vẫn chết. Song, lý do khiến khách đường xa bây giờ trở lại thấy chạnh lòng có lẽ đã được ông Bí thư Đảng ủy xã lý giải: “Suối Giàng có giống chè quý như vậy, nhưng toàn xã hiện vẫn còn 34,39% hộ nghèo. Đời sống người dân chưa có những bứt phá rõ rệt”.

Tìm hiểu kỹ hơn, mới hay loại chè quý này vẫn trong vòng luẩn quẩn về đầu ra cho sản phẩm. Toàn xã gồm tám bản với hơn ba nghìn nhân khẩu, thì có tới năm bản thu nhập chủ yếu từ cây chè. Diện tích chè cả xã hơn 434 héc-ta sẽ không phải là ít nếu đẩy mạnh được tiêu thụ đầu ra. Đến đây, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, giọng buồn buồn: “Số hộ gia đình có chè thì nhiều, nhưng chủ yếu thu hoạch chè tươi rồi bán giá nguyên liệu chỉ 10 đến 15 nghìn đồng/kg. Trung bình một héc-ta chè cho thu hoạch cả năm (bốn lượt hái) cũng chỉ được khoảng hơn một tấn chè búp tươi. Đã vậy, thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất chè ở các vùng khác lại làm ăn gian dối, mạo danh thương hiệu, làm tổn thất uy tín của chè shan tuyết Suối Giàng”.

Diện tích cây chè tuy lớn, nhưng cơ sở chế biến chè thành phẩm lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể đến Hợp tác xã Tuyết sơn trà do chị Lâm Thị Thoa làm chủ nhiệm, hộ gia đình chị Giàng Thị Xá ở bản Giàng B, anh Vàng A Khua ở Giàng A, Vàng A Xềnh ở Pang Cáng… Các cơ sở này đều sao, hái bằng phương pháp thủ công, áp dụng quy trình kỹ thuật truyền thống “nhằm bảo đảm chất lượng” nên chỉ đạt hai đến ba tấn chè khô một năm. Giá chè thành phẩm loại một là hai triệu đồng/kg, loại hai là một triệu đồng, loại ba là 300 nghìn đồng. Thu nhập của mỗi cơ sở cũng vào khoảng hơn 100 triệu đồng/năm. Người dân ở đây chưa có điều kiện để trang bị máy móc kỹ thuật và làm đẹp mẫu mã chỉ là một phần; còn lý do chính được bà con nêu ra là “không muốn chế biến theo kiểu công nghiệp hay hái chè bằng máy, tuy tăng sản lượng nhưng không bảo đảm chất lượng”.

Người Suối Giàng là thế, dù còn lắm khó khăn nhưng họ sống can trường như những thân chè cổ thụ, sẵn sàng đón gió đợi sương để mang lại cho đời vị trà thuần khiết. Hóa ra vị ngon của chè shan tuyết nức tiếng, cũng như sự quyến rũ của thiên nhiên và con người nơi đây chính là vẻ đẹp của sự thuần hậu, không mảy may giả dối.

KHÚC HỒNG THIỆN
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)