Những người trẻ giữ hồn dân tộc

Những người trẻ giữ hồn dân tộc

Tác giả: MINH ĐẠO *

“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII (tháng 11/2021).

Từ đó, tinh thần “chấn hưng văn hóa” của người đứng đầu Đảng ta càng được cả xã hội và nhân dân, nhất là các trí thức trẻ đã và đang hưởng ứng nhiệt thành.

Ngọc bất trác, bất thành khí; Nhân bất học, bất tri lý”…, cả lớp đọc rồi viết. Thầy đốc giáo giảng nghĩa: “Ngọc, dù quý giá, không đẽo gọt mài giũa thì chẳng nên món đồ. Con người ta không học thì chẳng biết nghĩa lý, chẳng biết nên làm điều phải lẽ…”.

Đó là không khí học tập, rèn luyện đã bền bỉ nhiều năm nay ở Nhân Mỹ học đường, nơi quy tụ nhiều thầy giáo, cô giáo uy tín chuyên ngành Hán Nôm, cổ sử, văn hóa đến từ nhiều cơ quan, trường đại học tình nguyện tham gia dạy cổ văn miễn phí dưới mái chùa Mễ Trì Thượng và một vài cơ sở khác ở Hà Nội.

Các nho sinh đủ mọi lứa tuổi, cũng khá đông lớp trẻ thế hệ “gen Y”, “gen Z”, bắt đầu tập viết từ những nét ngang, nét sổ, bút sắt trước rồi mới đến bút lông. Phong thái nho nhã, điềm tĩnh mà hóm hỉnh, mực thước, nghiêm khắc song cũng rất gần gũi của thầy khiến người học cảm nhận sinh động không khí học đường của cha ông thuở trước.

Nền tảng của văn hóa là tiếng nói và chữ viết (ngôn ngữ). Mấy nghìn năm lịch sử dân tộc Việt Nam, chữ Hán-Nôm, từ Hán-Việt đã trở thành phần quan trọng mang hồn cốt của dân tộc, làm nên những giá trị đặc sắc văn hiến Việt Nam. Nhưng, từ đầu thế kỷ 20, chữ Hán, chữ Nôm không còn được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Thư tịch Hán Nôm- di sản văn hiến của cha ông – không còn được số đông cháu con hiện đại đọc hiểu, gây nguy cơ đứt gãy văn hóa. Không thể khác, để kết nối với truyền thống, muốn mở cửa kho tri thức đồ sộ của cha ông, những “công dân toàn cầu” hôm nay vẫn phải đọc, hiểu, minh giải người xưa qua văn tự Hán Nôm.

Học chữ, học làm người là Nhân, rèn tập thư pháp là Mỹ. Nhân và Mỹ cùng hòa quyện để trưởng dưỡng đạo hạnh, cùng nhau phát triển, cùng nhau xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh. Nhiều năm trở lại đây phong trào học tập chữ Hán Nôm và thư pháp đã nhanh chóng lan tỏa ở nhiều nơi trên cả nước. Không chỉ ở Thủ đô hay một số thành phố lớn mà nhiều địa phương, làng quê đã hình thành những Câu lạc bộ Hán Nôm-Thư pháp, sinh hoạt đều đặn, nhiệt thành, thu hút nhiều thành viên, có cả lớp trẻ, như Nhân Mỹ học đường là thí dụ.

Các sinh viên ngành Hán Nôm, ngành văn hóa nhiều trường đại học, hay thành viên câu lạc bộ thư pháp cũng thường chia sẻ: Học chữ nghĩa của cha ông để có được chiều sâu văn hóa, tu dưỡng sự điềm tĩnh, huân tập tác phong chỉn chu, cẩn trọng trong ứng xử.

Giữa bộn bề cuộc sống hiện đại, nhiều áp lực này, vẫn không khó để bắt gặp những không gian văn hóa tĩnh tại, thư thái, những phòng viết, phòng đọc được chính các bạn trẻ tạo ra và thu hút đông đảo mọi người tham gia.

Như lẽ tự nhiên, chính nét đẹp của chữ nghĩa, của văn hiến nghìn năm dân tộc đã và đang lan tỏa các giá trị Chân-Thiện-Mỹ, dần hoàn thiện và lấp đầy những “lỗ hổng”, góp phần sửa chữa những thiếu khuyết của thời hiện đại.

Bởi, “văn hóa còn, thì dân tộc còn”./.

Nguồn: https://nhandan.vn/nhung-nguoi-tre-giu-hon-dan-toc-post753567.html

Xem thêm: https://radio.nhandan.vn/tinh-ruot-thit-nghia-dong-bao-i1557

(*) Nhà nghiên cứu Minh Đạo – Tổng Thư ký Chi hội Di sản văn hóa Hồng Châu, Hà Nội (trực thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam).

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)