Tam Quốc: Triết lý nhà Phật thâm sâu tạo nên kiệt tác khiến thế nhân bừng tỉnh
Gia Cát Lượng biết rõ rằng dẫu mình có công với xã tắc nhưng đã giết người quá nhiều ắt sẽ bị tổn dương thọ, do đó khi Ngụy Diên lao nhầm vào “Nhưỡng Tinh Đàn” (Đàn dâng sao) khiến ông không thể kéo dài dương thọ, ông cũng không hề trách tội Ngụy Diên, bởi lẽ đó là ý Trời…
“Cổn cổn Trường giang Đông thệ thủy,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khán thu nguyệt xuân phong.
Nhất hý trọc tửu hỷ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.”
Tạm dịch:
Dòng Trường Giang nước cuồn cuộn đổ về Đông không quay đầu trở lại,
Làn sóng bạc tiễn đưa bóng anh hùng.
Thị phi thành bại ngoái đầu lại đều là hư vô.
Núi xanh vẫn còn đó, mặt trời hồng hàng ngày vẫn mọc vẫn lặn mấy lần.
Ngư ông tóc trắng ẩn cư nơi sóng nước,
Quen nhìn trăng thu với gió xuân.
Một bình rượu đục vui lúc tương phùng.
Cổ kim biết bao chuyện, đều chỉ là chuyện vui khi tán gẫu.
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” là một phần trong tinh hoa văn hóa Trung Quốc, tác giả La Quán Trung đã mở đầu bằng khúc “Lâm Giang Tiên” này không chỉ khái quát toàn bộ câu chuyện giữa ba nước, mà thể ngộ tĩnh lặng sâu sa của ông còn cô đọng cả kiếp nhân sinh. Có người nói rằng La Quán Trung là một cư sỹ Phật giáo, điểm này có thể nhìn thấy được trong sự gợi mở và trầm tư mà “Tam Quốc Diễn Nghĩa” mang tới cho con người. Nếu không có sự nghiên cứu sâu sa về Phật giáo và tự mình trải nghiệm thì rất khó có thể viết nên một kiệt tác khiến lòng người bừng tỉnh sâu sắc như vậy. Một tác phẩm hay ngoài việc hợp khẩu vị của độc giả ra, điều quan trọng hơn là dẫn dắt con người suy ngẫm về cuộc sống và kiếp nhân sinh, thanh lọc đi những tạp chất trong lòng mình, khiến cảnh giới nhân sinh được thăng hoa, khiến độc giả và tác giả có sự cộng hưởng, tác dụng của nó cũng không kém gì sự gợi mở của triết học đối với con người.
Thuận duyên thì an, thuận theo đạo Trời
Phật giáo giảng về nhân quả, có nhân thì sẽ có quả, gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Văn hóa cổ xưa của Trung Quốc lại càng coi trọng nhân quả báo ứng, thường nghe thấy người già nói hãy tích chút đức cho con cháu, đức này chính là gieo nhân để tương lai đắc được thiện báo. Nhân quả báo ứng rất phức tạp, có người báo ngay tại đời này, cũng có người báo vào đời sau; có người bị báo ứng lên chính bản thân mình, lên người thân của mình, cũng có người bị báo ứng lên con cháu.
Vào thời niên thiếu tôi cũng đã đọc “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, lúc đó chỉ là đọc cho vui, mãi sau này khi đã trưởng thành, xem bộ phim truyền hình dài tập do về “Tam Quốc”, tôi mới thấy được công sức diễn xuất của diễn viên đã triển hiện cho khán giả chân lý nhân quả vô cùng hoàn mỹ. Mỗi lần như vậy phải chăng sẽ có người liên tưởng tới bản thân mình, phải chăng sẽ cảm thấy khiếp sợ vì những việc ác, niệm ác của mình? Bởi vì quả báo sớm muộn cũng sẽ tới, không phải là không báo, chỉ là chưa đến lúc. Đây chính là điều La Quán Trung muốn mượn câu chuyện Tào Tháo để nhắc nhở mọi người nên chân thành sám hối để được tiêu giảm tội nghiệp.
Người tu hành Phật Đạo có một điểm rất quan trọng chính là coi nhẹ danh lợi. Thuận duyên thì an, thuận theo đạo trời, con người vĩnh viễn không thể nào đối nghịch được với quy luật tự nhiên. Ngoài Phật Pháp ra thì văn hoá Nho gia cổ xưa của Trung Quốc cũng đề xướng “Thuận thiên giả xướng, Nghịch thiên giả vong” (Thuận ý trời thì phất, Nghịch ý trời thì vong). Con người là một phần của tự nhiên, đương nhiên cũng phải tuân theo quy luật tự nhiên, đừng cố chấp vào những kiến giải của bản thân, bởi vì tất cả đều là hư vô, sự cố chấp ngoài việc mang tới đau khổ ra thì chẳng đạt được thứ gì.
Gia Cát Lượng có thể được coi là điển hình về sự “Cúc cung tận tuỵ, tử nhi hậu kỷ” (Cúc cung tận tuỵ, Tới chết mới thôi), đến nỗi khiến người đời sau vẫn còn lưu lại lời cảm thán rằng: “Xuất sư vị tiệp thân tiên tử, Thường sử anh hùng lệ mãn khâm” (Xuất binh chưa thắng trận mà thân đã mất, Thường khiến anh hùng lệ đẫm tay áo). Nhưng “Lục xuất kỳ sơn” (Sáu lần xuất quân đánh Kỳ Sơn diệt Tào Nguỵ) của ông đều chưa hợp ý Trời nên cuối cùng đã kết thúc trong thất bại.
Khi vận mệnh của nhà Hán sắp tận thì bất kỳ ai cũng không thể cứu vãn được sự diệt vong của nó. Đây cũng chính là lý do vì sao khi Lưu Bị ba lần lui tới nhà cỏ tìm Gia Cát Lượng mà không gặp, lại tình cờ gặp được Thôi Châu Bình, Lưu Bị khẩn khoản thỉnh mời ông xuất sơn phục hưng nhà Hán, Thôi Châu Bình đã cự tuyệt. Thôi nói thẳng rằng vận mệnh của nhà Hán sắp tận, sức người không thể cứu vãn được và khuyên Lưu Bị hãy thuận theo ý trời. Nhưng Lưu Bị ôm chí lớn, không cách nào buông bỏ được lý tưởng phục hưng nhà Hán, do đó ông đã thành khẩn thỉnh mời Gia Cát Lượng xuất sơn.
Gia Cát Lượng vì muốn báo đáp hơn tri ngộ nên đã dốc hết sức cống hiến tài năng của bản thân mình. Nhưng thứ gọi là “Vận trù duy ác chi trung, Quyết thắng thiên lý chi ngoại” (Hoạch định chiến lược trong bản doanh, Quyết định thắng lợi nơi xa trường ngàn dặm), khinh thời đại bách chiến bách thắng đã khiến Tào Tháo nghe tin mà mất mật, khiến Chu Du đang lúc tráng niên đã sớm lìa đời; nhưng dẫu cho Gia Cát Lượng trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, tính toán như thần thì khi hành sự trái với ý Trời thì cũng không thể cứu vãn nổi vận mệnh thất bại.
Thực ra Tiều Chu vẫn luôn trình tấu lên hậu chủ Lưu Thiện rằng: theo kết quả quan sát thiên tượng buổi đêm là nhà Nguỵ vẫn chưa tuyệt mệnh, lúc này mà đánh về phương Bắc sẽ không thuận lợi. Gia Cát Lượng trí huệ hơn người, lẽ nào lại không biết thiên tượng, nhưng vì muốn báo đáp trọng trách Lưu Bị gửi gắm con trai cho mình mà ông đành phải hành sự trái với Thiên đạo, dẫu biết rằng sẽ thất bại nhưng ông vẫn phải làm theo ý nguyện của mình. Ân tình đó thật đáng ca ngợi. Nhưng bất cứ thứ gì cũng không là mãi mãi, gồm cả sinh mệnh của con người. Do đó về mặt lý trí thì việc theo đuổi những truy cầu đó cũng không có nghĩa lý gì. Gia Cát Lượng chịu đựng muôn vàn khó khăn gian khổ, dùng nhiệt huyết tuổi tráng niên để xây dựng nước Thục, nhưng cuối cùng vẫn phải để Lưu Thiện cúi đầu nhượng lại cho nước Nguỵ, Công danh của Gia Cát Lượng giờ ở nơi nao? Hay chỉ lưu lại vô vàn cảm thán cho hậu thế! Là do thời thế chăng? Hay do vận chăng? Hay vẫn là do số mệnh?
Có xả mới có đắc
Phật gia giảng “Xả đắc”, có xả bỏ thì mới đắc được, xả ít thì đắc được ít, xả nhiều thì đắc được nhiều, không xả thì cũng không đắc được gì, đồng thời cũng chỉ dạy chúng sinh xả bỏ tự tư tự lợi, lấy đức làm gốc. Cổ ngữ Trung Quốc cũng có câu: “Đắc dân tâm giả đắc thiên hạ” (Người đắc được lòng dân thì sẽ có được cả thiên hạ), “Dân khả tải chu, diệc khả phúc chu” (Người chở thuyền là dân, người lật thuyền cũng là dân). Lưu Bị cũng hiểu rõ đạo lý này. Trong ba nước Nguỵ – Thục – Ngô thì thế lực của Lưu Bị là yếu nhất, nhưng cuối cùng ông cũng đạt được kết quả “Tam phân thiên hạ hữu kỳ nhất” (Đắc được một phần ba thiên hạ).
Ngoài lòng trung thành son sắt và tài đoán biết sự việc như Thần của Gia Cát Lượng ra, thì đức hạnh của Lưu Bị cũng có quan hệ rất lớn. Ông có thể làm được việc: “Dụng nhân bất nghi, nghi nhân bất dụng” (Dùng người thì không nghi ngờ, nghi ngờ thì không dùng). Giả dụ Lưu Bị nghi ngờ Gia Cát Lượng thì dẫu rằng Gia Cát Lượng có mưu trí đến đâu cũng khó có cơ hội thi triển. Khi Lưu Bị hỏi tới việc Gia Cát Lượng có tài mưu lược tới đâu, Gia Cát Lượng đáp rằng: “Chủ công hữu đa đại đảm lược, Lượng tựu hữu đa đại mưu lược”. (Chúa công có gan thao lược lớn tới đâu, Lượng tôi đây có tài mưu lược lớn tới đó). Lưu Bị ngay lúc đó không hề do dự đã giao cho Gia Cát Lượng thanh bảo kiếm mà mình vẫn luôn mang theo bên mình. Hành động tầm cỡ này liệu một người lòng dạ hẹp hòi có thể làm được hay không?
Hơn nữa, Lưu Bị có tấm lòng nhân nghĩa, lấy bách tính làm trọng, không muốn vứt bỏ bách tính. Khung cảnh ông dẫn theo dân chúng vượt sông khiến lòng người xúc động sâu sắc. Mặc dù Lưu Bị không có được thiên thời và địa lợi, nhưng ông lại có được nhân hoà. Câu chuyện ba người Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa tại vườn đào, nghĩa khí bừng bừng ngút trời xanh vẫn còn được truyền tụng từ thời thiên cổ, tới nay cũng không ai có thể vượt qua. Tấm lòng như vậy mà không thành đại sự, cũng là do không hợp với thiên đạo.
Về phương diện khác, tấm lòng nhân đức của Lưu Bị ai ai cũng biết. Khó khăn lắm ông mới có được mưu sỹ là Từ Thứ, nhưng khi biết được mẹ của Từ Thứ bị giam tại doanh trại của Tào Tháo, trong tình huống Từ Thứ biết được rất nhiều chuyện cơ mật quân sự như vậy, ông vẫn không hề do dự để Từ Thứ tới thăm mẹ. Tấm lòng cỡ này không phải là hành động mà người thường có thể làm được. Do đó mới có câu chuyện Từ Thứ “Hồi mã tiến Gia Cát” (Cưỡi ngựa trở về tiến cử Gia Cát Lượng) và “Tiến Tào doanh nhất ngôn bất phát” (Vào doanh trại của Tào Tháo mà không hé răng nói một lời). Chính là vì Lưu Bị đã xả bỏ Từ Thứ nên mới đắc được Gia Cát Lượng, nhân đức thâm sâu quả thực có thể cảm động trời đất, huống chi là con người?
Thiên nhân cảm ứng
Con người nếu không tu hành thì vinh nhục hoạ phúc cả một đời đều do nghiệp khống chế, bản thân mình hoàn toàn không thể làm chủ được điều gì. Trên bề mặt những thứ thông qua sự phấn đấu của bản thân mà đạt được, kỳ thực vẫn là thứ trong mệnh người ấy nên có, nếu trong mệnh không có thì dù thế nào cũng không tranh được. Nghiệp chướng vô hình không thể đoán được thông qua phân tích logic, cổ nhân đọc “Tứ thư ngũ kinh”, tôn kính trời đất, tự mình đã có cảm ứng giữa trời và người, cũng chính là tiềm ý thức được giảng ngày nay. Con người hiện đại không tin vào số mệnh, không tin Thần, chỉ một mực tin vào khoa học nên có rất ít người có thể xuất hiện cảm ứng giữa Trời và con người.
Nhưng ngày xưa thì lại có rất nhiều. Bàng Thống đi tới “Dốc Lạc Phượng” đã cảm nhận được rằng đây là chính nơi mình sẽ nằm lại. Gia Cát lượng sau khi “Thất cầm Mạnh Hoạch” (Bảy lần bắt Mạnh Hoạch) đã biết rằng dẫu mình có công với xã tắc, nhưng đã giết quá nhiều người, ắt sẽ phải tổn dương thọ. Do đó khi Nguỵ Diên lao nhầm vào “Đài dâng sao” khiến Gia Cát Lượng không thể kéo dài thọ mệnh, nhưng ông không hề trách tội Nguỵ Diên, bởi đó là ý Trời. Từ cái chết của Lã Bố cũng có thể thấy được tác dụng của số Trời. Lã Bố dũng mãnh thiện chiến, ông từng buộc con gái trên lưng, đơn thương độc mã đột phá vòng vây, vì cớ gì cuối cùng lại bị Tào Tháo bắt được? Bởi vì ông ta không có sỹ khí, khách quan mà nói, bản thân ông nếu muốn trốn thoát, thì với năng lực của mình ông vẫn có thể thoát ra được, quan trọng là bản thân ông cho rằng mình đã không được nữa rồi, từ hành vi nhất quán của ông là có thể nhìn thấy được rằng ông không có định lực. Nếu tự mình cho rằng mình không ổn, thì người khác sao có thể cho rằng bạn vẫn ổn, có làm vậy cũng chỉ là vô dụng. Nếu nghiên cứu kỹ cái lý này thì đây chính là tác dụng của nghiệp chướng, nếu mệnh đã tới lúc vong thì dẫu không có điều kiện khách quan thì đứng tại quan niệm chủ quan cũng sẽ khiến tự mình diệt vong. Đây chính là điều mà Pháp sư khi giảng kinh đã nói, người khác không gây chuyện cho bạn, thì bạn cũng sẽ tự mình gây chuyện cho mình.
Chia cắt lâu ngày ắt sẽ hợp lại, hợp lại lâu ngày ắt sẽ phân ly, đây chính là điều mà “Tam Quốc Diễn Nghĩa” gợi mở cho chúng ta. Thế sự chẳng phải cũng thế sao? Con người cũng đều tuần hoàn như vậy mãi cho đến vô cùng vô tận, cớ chi cứ phải so đo đúng sai, thành bại? Bởi lẽ chỉ trong chớp mắt nó đã trở thành hư vô. Cổ nhân vì công phá thành trì, cướp đoạt đất đai mà phấn đấu mà tàn sát, cuối cùng lại trở thành chuyện cười cho hậu thế. Trong lời kết “Phân phân thế sự vô cùng tận, Thiên số mang mang bất khả đào” (Thế sự rối ren vô cùng tận, số Trời mênh mang không thể thoát) mà La Quán Trung dành cho “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đã gợi mở cho con người đời sau thông điệp rằng hãy thuận theo đạo Trời, coi nhẹ mọi chuyện trên thế gian.
Hiểu Liên biên dịch