“Trước giờ mình chủ yếu đầu tư đất nền, mà giờ mua đất nền chủ yếu là tìm về các khu vực mấy tỉnh ven TP.HCM như Bình Dương, Long An, Vũng Tàu hay Đồng Nai mới kiếm được sản phẩm mới chứ ở trên địa bàn thành phố vừa khó kiếm quỹ đất, giá lại còn rất cao, dân đầu tư nhỏ như mình dù có mặn mà cũng không với tới được”. Đây là lời chia sẻ từ anh Đặng Tiến Trung, một nhà đầu tư đất nền ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM khi được hỏi về kế hoạch trở lại với thị trường trong thời gian tới.
Anh Trung cho biết, trong 2 năm trở lại đây anh chủ yếu đầu tư BĐS ở tỉnh, phần lớn dự án mới mà anh nhắm đến cũng đều nằm ở khu vực giáp ranh TP.HCM như Thuận An, Biên Hòa hay Bến Lức. Giờ vẫn chưa thể di chuyển đến các tỉnh để mua bán đất, anh xem như mình lại phải tiếp tục “ngủ đông”.
Diệu Huyền, môi giới đang làm việc tại một công ty BĐS trên địa bàn TP.HCM có dự án triển khai tại Phan Thiết cho biết, đầu tháng nhiều khách hàng đặt cọc mua dự án trước dịch liên hệ hỏi thông tin về việc khi nào có thể tổ chức đi xem đất để còn chính thức ký hợp đồng. Nếu cứ kéo dài nhiều khách sẽ tính đường rút cọc tìm sản phẩm khác. Bản thân Huyền và công ty vẫn không thể đưa ra câu trả lời cho khách hàng, vì phụ thuộc vào chính sách mở cửa của Chính phủ.
Được mệnh danh là kênh đầu tư vua, ngay cả trong thời điểm thị trường ngủ đông yên ắng nhất, đất nền, nhà phố vẫn không thiếu nhu cầu tìm mua từ giới đầu tư và cả người ở thực. Báo cáo thị trường quý 3/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 9/2021, đất nền, nhà phố là phân khúc ghi nhận sự phục hồi lượng quan tâm tìm kiếm mạnh nhất thị trường, với mức tăng 12% tại khu vực TP.HCM và gần 22% tại các tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu so với tháng 8/2021. Tuy nhiên bên cạnh việc ngày càng khó kiếm nguồn cung dự án mới, chính sách giãn cách giữa các địa phương phía Nam đang khiến nhiều nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp triển khai dự án đất nền lo lắng vì cung – cầu tiếp tục không gặp được nhau.
Là doanh nghiệp có trụ sở ở TP.HCM, thế nhưng các dự án bất động sản mà Tập đoàn bất động sản Trần Anh Group lại nằm chủ yếu ở các tỉnh Long An, Bình Dương và thậm chí ông Hà Văn Thiện, Phó tổng Tập đoàn này cho biết hiện doanh nghiệp đã phát triển xong dự án tại Bà Rịa – Vũng Tàu, theo kế hoạch sẽ tổ chức mở bán vào cuối năm 2021. Dù thời gian vừa qua, tỉnh Long An phát đi thông báo sẽ chính thức cho các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại nhưng do công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 mà việc di chuyển giữa các địa phương lân cận với TP.HCM bị kiểm soát và hạn chế, người dân các tỉnh khó lưu thông với nhau. Việc hạn chế lưu thông như vậy đồng nghĩa với nhiều doanh nghiệp địa ốc đang triển khai bán hàng ở các tỉnh sẽ rất khó khăn do nguồn khách từ TP.HCM và các địa bàn lân cận là rất lớn.
Tương tự, Tập đoàn Novaland cho biết từ năm 2019 tới nay, doanh nghiệp này phát triển các dự án bất động sản chính nằm ở TP. Biên Hoà (Đồng Nai), Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Phan Thiết (Bình Thuận). Đặc thù của ngành kinh doanh bất động sản đó là muốn bán được hàng phải đưa khách hàng trực tiếp tới xem dự án thì họ mới mua. Nên dù mở cửa lại nền kinh tế nhưng không thể đưa khách đi thăm quan dự án, xem xét sản phẩm.
Công ty BĐS Phú Đông cũng cho hay, theo dự kiến trong quý 4/2021 doanh nghiệp này sẽ triển khai mở bán một dự án căn hộ chung cư và một dự án nhà phố tại Bình Dương và Đồng Nai. Tuy nhiên với tình trạng không thể di chuyển giữa các tỉnh thành như hiện nay, tổ chức bán hàng là rất khó khăn vì khách không thể đi xem dự án cũng như trực tiếp khảo sát chất lượng sản phẩm.
Nhìn tổng thể thị trường tỉnh phía Nam, từ các doanh nghiệp bất động sản lớn như Hưng Thịnh Corp, Nam Group, Thắng Lợi Group, DKRA Việt Nam, Phát Đạt, Danh Khôi… tới những doanh nghiệp môi giới nhỏ đều đang phát triển các dự án bất động sản tại các tỉnh lân cận TP.HCM. Chính vì vậy, việc không cho lưu thông giao thương giữa các tỉnh với nhau sẽ đưa các doanh nghiệp địa ốc vào thế bí, cho mở cửa mà vẫn không thể kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding cho rằng, nếu không được lưu thông giữa các tỉnh thì doanh nghiệp sẽ không thể mở cửa kinh doanh trở lại. Đây không phải là giải pháp tốt cho sự mở cửa kinh tế, nếu mở cửa kinh tế mà tỉnh nào phát triển kinh tế tỉnh đó, không cho lưu thông với nhau sẽ làm gãy kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo ông, thay vì cứ đóng cửa, các tỉnh cần thống nhất chung trong việc liên thông kinh tế ở trạng thái bình thường mới. Nên tạo điều kiện di chuyển thuận tiện cho những công nhân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đáp ứng được điều kiện có “thẻ xanh” đi lại theo đúng yêu cầu trước đó của TP.HCM và Chính phủ để sớm tái khởi động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Phương Uyên – batdongsann.comm.vnn
Bất động sản ở tỉnh lo khó bán vì “ngăn sông cách chợ” (batdongsan.com.vn)