Thơ còn rực lửa bên đồi Thi nhân

Thơ còn rực lửa bên đồi Thi nhân

Đã 80 năm thi sĩ Hàn Mặc Tử hết duyên trần (11-1940 – 11-2020). Thời gian ấy tưởng đâu xa lơ xa lắc so với 28 năm vụt sáng chốn dương gian này của người thơ. Nhưng không, như một câu của Hàn Mặc Tử, “một mai kia ở bên khe nước ngọc, với sao sương anh nằm chết như trăng”, thì cảnh ấy, người ấy, thơ ấy, thêm những mối lương duyên tuyệt đẹp của cả đời xưa lẫn đời nay đã thành bất tử. Gió Ghềnh Ráng – Quy Nhơn vẫn lồng lộng thổi, trăng vẫn sáng trong và thơ Hàn còn nguyên lửa ấm.

Ai đến nơi này hãy nhớ nắm tay nhau!

Hơn 10 năm trước, hồi còn sinh viên, tôi đã có ý định dành dụm chút lộ phí đánh đường vào thăm mộ Hàn Mặc Tử, nhưng lại nghĩ vào đấy mà một mình thì chán. Có lần ngang qua Quy Nhơn, phần vì vội, phần vì vẫn một mình nên chưa muốn đến, sợ nơi ấy lạnh lẽo càng lạnh lẽo hơn. Lấn lúi thế nào mãi tới gần đây, vào Bình Ðịnh, có bầu bạn ấm áp mới quyết lên đồi Thi nhân một chuyến. Mượn được chiếc xe máy của vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và Trần Thị Huyền Trang, tôi và một bạn nữ sinh cũng rất yêu thơ Hàn, dọc đường bờ biển hướng dốc Mộng Cầm.

Hỏi thăm một bác xe ôm đường lên đồi Thi nhân, chúng tôi ngạc nhiên với câu trả lời: “Lên tìm thi sĩ dám bán cả trăng hả, ai mua trăng tôi bán trăng cho…”. Người thuộc thơ Hàn, chạy xe ôm, có dáng võ tướng, trả lời xong rồi cười ha hả.

Dưới chân núi Xuân Vân là Ghềnh Ráng, kéo dài với các bãi tắm từ đường An Dương Vương đến bãi tắm Hoàng Hậu. Nơi an nghỉ Hàn Mặc Tử nằm kế phía đông Ghềnh Ráng, vượt lên một con dốc được người dân nơi đây lấy tên Mộng Cầm, một trong những “nàng thơ” của thi sĩ đặt cho, phần mộ gần sát mép biển, dưới tay Ðức Mẹ Maria hướng ra bán đảo Phương Mai và đầm Thị Nại, quanh năm lộng gió. Từ đây kết nối với trại phong Quy Hòa, nơi Hàn Mặc Tử gắn bó những năm tháng cuối đời, cũng là địa điểm thời gian đầu an táng nhà thơ.

Dẫn chúng tôi đi thăm trại phong, đến khu nhà tưởng niệm Hàn Mặc Tử cũng chính là căn phòng nghỉ ngơi và dưỡng bệnh của nhà thơ lúc còn sống, TS Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương Quy Hòa (cơ sở II) không giấu được xúc động: “Ở đây vẫn còn đơn sơ, nhưng sự ngưỡng mộ, tình cảm của cả cán bộ, nhân viên và các bệnh nhân đang điều trị dành cho nhà thơ thì luôn ấm áp, vẹn nguyên”.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại Ðồng Hới (Quảng Bình), nhưng phải theo gia đình đi nhiều nơi từ lúc nhỏ, cuối cùng gắn bó với mảnh đất Quy Nhơn (Bình Ðịnh) này như một duyên nợ. Sớm ra đi, tài hoa mệnh bạc, nhưng người thơ ấy đã kịp để lại cho đời những bài thơ trác tuyệt, được in trong sách giáo khoa như “Mùa xuân chín”, “Ðây thôn Vĩ Dạ”… làm thổn thức bao tâm hồn học sinh. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã dành tới 16 trang sách trong Thi nhân Việt Nam để bình và giới thiệu thơ Hàn. Hoài Thanh còn viết: Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử, ta không hiểu được và chắc không bao giờ hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Ðã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp… Một tác phẩm như thế, ta không thể nói hay hay dở. Nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán.

Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên cũng từng quả quyết: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này một chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”. Một người thơ thế ấy, những gì Hàn Mặc Tử để lại cho hôm nay và cả mai sau sẽ là bất tử. Phải chăng vì thế, mà những du khách hôm nay mỗi khi đến Quy Nhơn đều ghé qua Ghềnh Ráng, như tôi thấy, nếu không đi theo đoàn thì chí ít cũng một đôi nam nữ nắm tay nhau thắp hương tưởng niệm Thi nhân, cho thêm phần ấm áp nơi này.

Người mộng mị thơ Hàn

Người đời xưa bày tỏ niềm cảm thương và thán phục với thơ Hàn, với đời Hàn là vậy, người đời nay không ít lần đã nhỏ lệ tiếc thương. Nhưng nổi tiếng nhất, người mà ở đất Quy Nhơn này ai cũng biết là Dzũ Kha.

Anh Trương Minh Khôi, người cháu họ của họa sĩ “bút lửa” Dzũ Kha đã tiết lộ về ông chú của mình, nhiều lúc như là mộng mị thơ Hàn. “Ðã mấy năm nay, tôi theo chú Dzũ Kha đến quán thơ này, dưới chân dốc Mộng Cầm để ông truyền nghề bút lửa, và chuyên tâm tạc thơ Hàn Mặc Tử lên gỗ, lên đá, lên đủ mọi chất liệu. Lâu ngày đến lượt tôi cũng thấy yêu thơ Hàn rồi đấy”, anh Khôi tay chỉ lên những phiến thơ và nói.

Dzũ Kha, tên thật là Trương Vũ Kha, sinh năm 1960, quê ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Ðịnh, hiện sống tại TP Quy Nhơn (Bình Ðịnh). Dzũ Kha mất cha từ nhỏ, nhà có hai chị em sống cùng người mẹ tảo tần. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1982, ông về Quy Nhơn mở phòng tranh nghệ thuật tại Quy Hòa. Như mối nhân duyên tiền định, nơi ấy lại gần nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử chữa trị bệnh phong và mất từ năm 1940. Vốn yêu thơ Hàn từ thuở còn học sinh, trong đó nhiều bài thơ ông thuộc lòng từ người mẹ hiền của mình thường hay đọc, hát ru. Rồi Dzũ Kha bắt đầu đi, gặp gỡ nhiều người, sưu tầm, chắp nối những thông tin, di cảo tác phẩm về Hàn Mặc Tử. Ông kể: “Ban đầu, không ít người hoài nghi mục đích của tôi, họ thoái thác. Song mình chân thành, kiên trì, dần dà người thân, bạn bè hoặc những người biết Hàn Mặc Tử đã chia sẻ, chủ động cung cấp những thông tin, tài liệu, thậm chí là tặng lại kỷ vật của nhà thơ cho tôi. Tích lũy dần, tôi bắt đầu biên soạn những tài liệu, cuốn sách về Hàn Mặc Tử. Sau này thì đến bên mộ Thi nhân dùng bút lửa khắc gỗ sưởi ấm thơ Hàn”. Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều lúc giọng ông nghẹn lại, thường xuyên đọc xen những câu thơ của Hàn Mặc Tử như một nỗi hoài niệm xa xăm.

Người đời thường viết chữ bằng mực, mà để đẹp được đã khó, Dzũ Kha viết bằng “bút lửa” (loại bút được thiết kế đặc biệt sử dụng điện năng chuyển sang nhiệt năng, đốt cháy mặt gỗ mà nên chữ), nắn nót mà phóng túng, bay bổng và khoáng đạt. Ðời Hàn Mặc Tử đã phải chịu bao cô đơn, lạnh lẽo, thơ Tử đôi lúc cũng buồn, song nổi bật nhất vẫn là những bài thơ dập dồn nhịp thở, máu xối tâm can, tha thiết yêu cuộc đời, đắm đuối và thẳm sâu. Người cầm bút lửa cảm nhận được điều ấy, “đồng thanh tương ứng” mà thể hiện ra đầu ngọn bút tài hoa.

Cứ thế, thấm thoắt đã mấy chục năm trời, Dzũ Kha gắn bó bên đồi Thi nhân, từ khi mộ nhà thơ còn rất đỗi hoang sơ, ít người nhang khói. Dzũ Kha lại kể, năm 1998, ông đã cùng gia đình, người thân làm Phòng Lưu niệm Hàn Mặc Tử tại Quy Hòa, năm 2000 làm Nhà Lưu niệm nhà thơ tại Ghềnh Ráng, Quy Nhơn. Rồi suốt hai chục năm qua, chưa kể thường ngày, đều đặn mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của thi sĩ, Dzũ Kha đều mang theo hương đăng, hoa quả lên mộ Hàn thắp nhang tưởng nhớ, “cho linh hồn tài hoa ấy bớt cô đơn”.

Gặp chúng tôi, say sưa nói về thơ Hàn, đời Hàn và cả đời ông, đến trưa, thì Dzũ Kha từ tốn cáo từ, vì hôm ấy là ngày giỗ mẹ ông, một người cũng say đắm thơ Hàn Mặc Tử.

Ðã 80 năm kể từ ngày 11-11-1940, Hàn Mặc Tử về với trăng sao, qua vài lần di chuyển mộ phần, giờ an nghỉ trên đồi Thi nhân, du khách và những người yêu thơ thường xuyên thăm viếng. Còn như không ít người hỏi, vậy Hàn Mạc Tử (bức rèm lạnh) hay Hàn Mặc Tử (mực lạnh), điều này cho đến nay vẫn có những tranh cãi. Với chúng tôi, lần này được cùng lên đồi Thi nhân thắp nén nhang tưởng nhớ Hàn thi sĩ, được người dân Quy Nhơn, và nhất là nghe chuyện Dzũ Kha giữ lửa thơ Hàn, sao mà thấy ấm áp, thấy yêu thêm cuộc đời này đến thế. Trời chiều Ghềnh Ráng, một mảnh trăng cong đã sớm ẩn hiện trong mây, bất giác tôi nghĩ đến mảnh trăng trên chữ Hàn Mặc Tử lung linh trác tuyệt và chẳng còn lạnh lẽo.

Khúc Hồng Thiện
Ảnh: Căn phòng đơn sơ nhưng luôn được đón nhận rất nhiều tình cảm của người yêu thơ ở Bệnh viện Da liễu trung ương Quy Hòa, nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử từng nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.
Nguồn: Báo Nhân Dân

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Đức Hiển 3 năm

    Rất ngưỡng mộ! Tôi đã từng được ghé thăm đồi Thi nhân, được nghe những giai thoại về Hàn Mặc Tử mà da diết, rưng rưng!