Tiếng thơ phản biện trong “Chênh chao tích chèo”

Tiếng thơ phản biện trong “Chênh chao tích chèo”

Nhân chuyến về Hưng Yên công tác, nhà thơ trẻ Khúc Hồng Thiện tặng tôi Chênh chao tích chèo, tập thơ lục bát (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2010), in kèm lời bình của các bạn thơ. Tôi đọc một mạch 33 bài thơ và lời bình của các nhà thơ Thanh Quế, Phạm Hồ Thu, Thi Giang, của Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Tản, cây bút bình thơ trên tạp chí Phố Hiến và của bạn sinh viên Hoàng Chiến Thắng cùng khoa với Thiện. Thật may, vẫn còn nhiều người yêu thơ lục bát nên lời bình không đến nỗi nào, có bài thường, bài hay. Có người bằng trực giác nhận ra vấn đề, tìm được căn cốt sáng tạo của nhà thơ nhưng chưa kịp đào sâu. Có người vừa chạm vỉa quặng, vì nhiều lí do, bỏ vàng lại không nhặt. Phạm Hồ Thu và Thi Giang gặp nhau trong cùng nhận xét: “có những câu thơ của Thiện đã làm tôi gai người”(tr 75), “thơ Khúc Hồng Thiện thật sự ám ảnh và gợi nhiều suy ngẫm” (tr 66). Nghĩa là, nội dung, Chênh chao tích chèo lay thức được người đọc khó tính. Bởi vì, tập thơ thể hiện điều “quí nhất là cái tình khá sâu nặng – cái sâu nặng của đứa con đồng quê đau đáu nỗi buồn nhân thế” (tr 76) và “chất nhân văn thấm đẫm trong thơ”(tr 66).

Về thi pháp, Thanh Quế cho “thơ lục bát của Thiện phảng phất dáng cổ xưa mà (…) hiện đại; vừa có nét nghiêm trang lại pha chút hóm hỉnh” (tr 57). Hoàng Chiến Thắng mượn ống kính Henry James về lối “phê bình mới” nhận ra “góc nhìn những bấp bênh cùng nỗi niềm xưa cũ đầy rẫy hàm oan trong một trạng thái chênh chao từ một tích chèo cổ” (tr 70), thấy “hội làng, chính là điểm nhìn mang tính phát hiện để tác giả đặt vào đó bi kịch số phận và những hàm oan của cổ nhân” (tr 71). Nguyễn Nguyên Tản qua bài thơ cụ thể – bài Bập bênh cung cấp cho người đọc một cái đinh – “mỗi bài đều loé sáng nhận thức, tình cảm mới lạ” (tr 59) để treo thơ Thiện cùng thưởng lãm. Năm bài viết không chê, đều khen, không vặt lông, bẻ cánh Chênh chao tích chèo, sáng rõ như thế, ai dám động bút viết  thêm?

Vẫn còn điều để viết! Hoàng Chiến Thắng có lí khi phát hiện “hội làng là điểm nhìn rất mới” của Chênh chao tích chèo nhưng chưa thấy tác giả bài viết phân tích hội làng chính là cơ sở, là tiêu điểm của văn hoá dân gian. Từ cơ sở ấy, Khúc Hồng Thiện chọn làng quê và văn hoá truyền thống làm điểm tựa, làm đường băng cho lục bát của anh cất cánh: “làng mình vào hội hay chưa/ để cho tôi được lên chùa nhận con”.

Ngày xưa, ở hội làng, dù giầu sang đến đâu, nghèo hèn bậc mấy nhưng tất cả đều bình đẳng: bình đẳng khi giao tiếp với thần linh, bình đẳng trong ước mong cuộc sống hạnh phúc yên bình, bình đẳng trong vui chơi, giải trí, thậm chí bình đẳng trong tỏ lời yêu thương, kể cả những thở than, oán trách. Đi hội được thần linh che chở, người ta có thể tĩnh tâm định lại giá trị tốt – xấu, phải – trái, đúng – sai mà bước tiếp con đường “cũng đành mà đi”. Nhập vai đi hội, Khúc Hồng Thiện tạo cho mình cảm thức sóng đôi thật tinh tế, nhuần nhị. Không gian văn hoá truyền thống giúp anh và người đọc nhận ra cái khác xưa, cái thuận lí và không thuận lí qua câu chữ kín đáo, tinh tế của nhà thơ. Xin nêu vài thí dụ:

Nỗi oan Thị Kính trên chiếu chèo cho tác giả một ý tưởng riêng: “từ đời xưa đến đời ta/ mỗi lần xin lại đi ba bốn vòng/ thế mà thằng bé vẫn không/ Thị Kính vẫn bế trong lòng như xưa” (Chênh chao tích chèo). “Đi ba bốn vòng” là nghệ thuật giãn cách, tượng trưng giầu tính ước lệ của chèo cổ truyền mà cô đào vào vai Thị Kính trình diễn. Nghệ thuật ấy với Khúc Hồng Thiện thành ám ảnh về nỗi khổ triền miên của kiếp người và sự nhức nhối cần sự đổi thay.

Chuyện nàng Châu Long thay chồng nuôi bạn, giúp Lưu Bình học hành đỗ đạt “làm nên tích chèo thiêng muôn đời” cũng thế. Câu chuyện được nhân dân tiếp nhận như một món ăn tinh thần đặc sắc. Giá trị nhân văn tự nhiên đến mức dân gian coi tích chèo là bài học đạo đức cụ thể, sinh động về tình bạn tích cực, thuỷ chung và đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam . Chuyện xưa là vậy, liên tưởng tới mặt trái cuộc sống hôm nay, nhà thơ nhận xét: “chuyện đâu có ở cõi người/ chỉ là vai diễn một thời gió mưa” (Tản mạn đường Châu Long).

Ngay chuyện làng quê Hưng Yên của Thiện cũng thế. “Từ Phố Hiến ra Thăng Long/ tổ tiên mang vị nhãn lồng dâng vua”, anh cũng hoài nghi? Một loạt câu hỏi liên quan đến chùm nhãn tiến vua được đặt ra. Đường sá xa xôi cách trở, khiêng gánh đi bộ hàng tháng trời (thời kỳ kinh đô ở Huế chẳng hạn), mang nhãn tiến vua có hợp lí không? Tấm lòng người dân quê gánh nhãn “liệu có bồi hồi lai kinh” hay là bị quan quân triều đình gươm đao sáng loáng “hai bên lính giải cũng đành mà đi”? Nhà thơ tạo tứ bằng thủ pháp so sánh đối lập tương phản, một bên là “chút lòng thành” với một bên là hình ảnh người dân Phố Hiến gian nan vất vả gánh nhãn dâng vua, “gập ghềnh chín bậc lầu son/ trăm gian gác tía vẫn còn máu rơi”. Và anh nhận xét, một nhận xét bằng ẩn dụ đa chiều: “tiến vua chưa chắc những gì là ngon” (Nghĩ từ Phố Hiến).

Về Kinh Bắc, vùng quê Quan họ vừa được UNESCO vinh danh, nơi có dòng sông Đuống kiều diễm nằm “nghiêng nghiêng” trong thơ Hoàng Cầm, nơi đầy ắp những lời ca dao trò chuyện tâm tình, Khúc Hồng Thiện ngỡ ngàng hỏi: “còn đâu lọng tía võng đào/ hôm nay em mặc áo nào nhận nhau?”. Sự phai nhạt văn hoá truyền thống ở làng quê làm nhà thơ đau đáu, khó nguôi ngoai nên mới có câu hỏi tự nhiên, hồn nhiên đến vậy.

Đôi lời nhắn với ca dao là bài thơ tương tự. Từ lâu, dân gian lầm tưởng tò vò nuôi nhện, sự thật thì ngược lại. Ong tò vò giết nhện lấy thức ăn nuôi ấu trùng nhưng lại danh xưng là người có công nuôi nhện: “tò vò dẻo miệng véo von/ kẻ lưu manh hoá ban ơn mới tài”. Nhà thơ khuyên chúng ta hãy nhận ra tính chân thực của hiện tượng, sự việc, đừng tin vào “miệng thế mấy nhời/ trót giăng tơ cứ giữa trời dạy con” và cảnh báo: “đôi lời nhắn với ca dao/ lắm khi những tiếng ngọt ngào có gai”.

Thời kỳ đổi mới, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh yêu cầu chúng ta phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Từ đó, dư luận xã hội hoan nghênh, khuyến khích mọi người đề xuất chủ trương, biện pháp, trình bày nhận thức, ý tưởng phản biện cuộc sống, nhằm đưa cuộc sống theo đúng quy luật của nó. Với văn học thời kinh tế thị trường, độc giả đánh giá cao tác phẩm mang nội dung thức tỉnh con người để con người tự điều chỉnh và biết xây dựng cái cao cả cho chính mình và cho xã hội. Tuôn chảy từ mạch nguồn văn hoá truyền thống, thêm nhận xét cá nhân, những dòng thơ phản biện của Khúc Hồng Thiện thật vô tư, tự nhiên mà nhói buốt. Nó dập dồn thúc ép người đọc phải vận công mang hết vốn liếng văn hoá, kinh nghiệm sống, thậm chí có thứ muốn quên đi, đã vùi sâu, cất kỹ trong rương, trong hòm, lại phải đào bới, lục tìm, mở khoá lôi ra, phủi bụi để lên bàn cân chữ nghĩa giữa thơ và đời thường, cùng tác giả liên tưởng, suy ngẫm, tự xem xét lại những hành động của bản thân, tìm ra nguyên nhân, cân nhắc, chọn cách đi riêng cho mình để đạt hiệu quả nhân văn hơn. Thơ anh không có ý định khám phá những khuất lấp lịch sử đời sống nhưng có sức gợi mở người đọc suy nghĩ về khoảng trắng trong đó. Những gợi mở ấy tạo nên sự lan tỏa và hiệu ứng nghệ thuật nhất định. Chiều sâu của tính hiện đại trong lục bát Chênh chao tích chèo là thế.

Ở Phía Con Người…

Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà báo, nhà thơ Khúc Hồng Thiện.

Hiện nay, trên thi đàn, thơ triết lí đã xuất hiện, phủ sóng trên báo chí và ấn phẩm ở hai phương diện nội dung và hình thức, được người đọc chấp nhận là một trong những xu hướng hiện đại của thơ.Có người đưa khái niệm, thuật ngữ triết học vào thơ, có người viết thơ bằng tư duy thuần lí và sử dụng cách sắp đặt, bài trí không theo khuôn lệ thông thường, miễn sao câu chữ, cách trình bày thông báo quan niệm nhìn nhận cuộc sống theo góc nhìn triết học thông qua cảm thức của nhà sáng tạo. Nguyễn Nguyên Tản phát hiện Khúc Hồng Thiện có “lối tư duy biện chứng nhìn sự vật đều có hai mặt, hai chiều”. “Hai phương diện đó xen lẫn, đối lập, tranh giành” (tr 60) cộng với sự tĩnh tâm – “sự tĩnh tâm bao giờ cũng bắt nguồn từ nhận thức ở một tầm cao” (tr 63) (?). Xin bổ sung thêm: Thơ lục bát của Khúc Hồng Thiện không phải là thơ thuyết giáo, triết lí đơn thuần mà là thơ trữ tình có nhận xét nhưng là nhận xét tỉnh táo trước cuộc sống xưa – nay, vừa bổ sung cái nhìn đồng điệu, thuận chiều, vừa có ý kiến ngược gió, tạo nên tiếng nói riêng. Với Khúc Hồng Thiện, khi anh vào thăm cố đô Huế là dịp “ta về nhận mặt cha ông/ trên từng viên gạch nửa hồng nửa đen”. Nhà thơ phát biểu trực tiếp về vai trò, sức mạnh và sự hy sinh của nhân dân: “nhân dân từ những túp lều/ nung vôi chở đá phận nghèo mong manh/ dựng xây nên những kinh thành/ rừng thiêng nước độc gửi mình là xong” (Nhận). Nhẹ nhàng nhưng đau xót và thấm thía!

Tuy sử dụng tư duy lôgíc để bàn về nhân sinh – xã hội nhưng Khúc Hồng Thiện chưa đẩy vấn đề lên tầm minh triết. Song những nhận xét mang tính phản biện của anh bước đầu làm người đọc chú ý, tạo tín hiệu lạ cho thơ. Tác giả mới dừng ở câu, ở đoạn chưa chuyển nhận xét riêng thành đột biến cho cả bài, cả tập. Hai mặt, hai chiều sự vật, hiện tượng trong Chênh chao tích chèo được nhà thơ cài đặt trong trường ẩn dụ, so sánh và liên tưởng rất kín đáo, người đọc khó tính không thể vạch vòi, bắt bẻ.

So sánh cũng là một dạng của phương pháp tư duy triết học. Khúc Hồng Thiện so sánh giữa quá khứ và hiện tại (Về Kinh Bắc, Tâm sự với thần Kim Quy), giữa thuận lí và không thuận lí (Nghĩ từ Phố Hiến), giữa xấu và tốt, phải và trái (Nhận), giữa nội dung và hình thức, giữa bản chất và hiện tượng (Đôi lời nhắn với ca dao). Nhiều khi cái so sánh chỉ là sự liên tưởng qua vốn sống của chính người đọc (Trước em).

Có người ngạc nhiên e ngại, tại sao tâm hồn tươi trẻ như Khúc Hồng Thiện lại có tâm trạng thắc thỏm, trăn trở, nghi ngờ, thiếu vắng niềm tin cuộc sống như vậy? Anh hoài nghi, trở trăn, day dứt về cuộc đời chăng? Lo chim đậu cành cong chăng? Không hoàn toàn như thế! Khúc Hồng Thiện trở trăn, nghi ngại trước sự tác động, đổi thay ở cả hai phía: văn hoá nội sinh và văn hoá ngoại nhập. Nói đúng hơn, Chênh chao tích chèo thể hiện tâm thế nhà thơ trước cơn lốc kinh tế thị trường đang tác động mạnh mẽ tới văn hoá – xã hội, làm méo mó, thay đổi quan hệ giữa con người với con người: “Bập bênh ngày bập bênh đêm/ chang chang bên trắng êm đềm bên đen/ bập bênh cả những ngọn đèn/ phía leo lét đỏ phía lèn lẹt xanh” (Bập bênh), kể cả sự thờ ơ của người đời, “ngoài xanh bao tượng thánh thần chỏng chơ” (Thưa cùng với bác “Thường Dân”). Thậm chí, khi em quá trớn “mượn tiếng ca dao/ gọi tôi vượt ngọn ba đào qua sông”, anh cũng nghi ngại, cảnh giác với bản năng của chính mình “đừng tin vào những ơ thờ/ cầu ca dao với câu thơ nửa chừng” (Em đừng mượn tiếng ca dao). Đủ thấy Khúc Hồng Thiện trẻ tuổi mà già dặn, chín chắn, cảnh giác đến mức nào.

Từ nguyên cớ ấy, nhà thơ tìm về cội nguồn văn hoá làng quê, rộng hơn là văn hoá truyền thống để suy ngẫm, giải thích, nhận xét đúng – sai, thật – giả. Tâm thế tác giả hiện trên từng câu chữ. Trong số 33 bài thơ có đến 23 bài Khúc Hồng Thiện sử dụng từ ngữ, hình ảnh thể hiện tâm trạng trống vắng, mong manh trong thơ. Tần số những từ láy tạo hình ảnh không vững vàng, không chắc chắn, dễ đổ vỡ, trắc trở, gian nan, miêu tả cái nhỏ bé, cái ảo ảnh, vô hình, vô định như: “lênh đênh” (6 lần), “bập bênh” (6 lần), “mong manh” (5 lần), “lang thang” (3 lần), “cập kênh”, “nổi nênh”, “bềnh bồng”, “phù du”, “mịt mù”, “chung chiêng”, “chống chếnh”, “gập ghềnh”, “phiêu bồng” và những từ khẳng định cái trống vắng: “hư ảo”, “hư vô”, “trống không”… xuất hiện trong các bài thơ khác nhau như một ám ảnh nghệ thuật. Ngôn ngữ như thế mới là thứ ngôn ngữ bảng lảng sương khói của người thoát xác, biết lắng nghe, thu nạp những gì đớn đau, trăn trở từ không gian văn hoá vùng quê châu thổ Sông Hồng, biết tiếp nhận, nghĩ suy về một thời đã qua, thời ấy cũng đi vào khói sương, đặt nó bên cạnh cuộc sống hôm nay để tạo vốn một hồn thơ. Những câu: “làm thơ ở cõi dương gian/ đánh rơi tuổi trẻ theo làn khói phiêu” (Đêm giao thừa vắng mẹ), “để hồn thơ đỡ trống không/ cho hoàng hôn đỡ phiêu bồng gọi nhau” (Vân vi 2), “thế rồi không, thế là không/ lỡ chân xuống nước vời trông bến bờ (Em đừng mượn tiếng ca dao), “em không thật, đời ghi danh/ tôi tuy không ảo mà thành hư vô” (Tản mạn đường Châu Long), “riêng tôi với biển mịt mù/ vẫn lênh đênh vẫn phù du kiếp người” (Trước biển), “nón bài thơ, áo thị thành/ hoá tro mà chịu tang mình đi thôi” (Nón bài thơ tặng mẹ)… làm người đọc “gai người”.

Riêng tôi, tôi tin vào điểm tựa mà Khúc Hồng Thiện đã chọn. Có điểm tựa ấy, vốn liếng ấy, chỉ cần chọn đúng đề tài và cần cù sáng tạo, thơ anh sẽ trở thành tài hoa và chắc chắn hơn.

                                                                                   Nhà nghiên cứu VŨ TIẾN KỲ

(Theo Tạp chí Văn nghệ quân đội, 2011)

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)